Hòa Phát: Mỗi năm đầu tư 1 tỷ USD làm đường sắt cao tốc, điện hạt nhân...

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trung bình mỗi năm Hòa Phát đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các dự án mới, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc, điện hạt nhân.

Ngành thép không chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan

Nền kinh tế toàn cầu hiện đang trải qua giai đoạn chuyển biến mạnh mẽ, với các yếu tố địa chính trị và chính sách thuế quan có khả năng làm thay đổi dòng chảy thương mại và đầu tư. Mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức từ bên ngoài, giới chuyên gia vẫn đánh giá năm nay là thời điểm đầy triển vọng đối với nhiều ngành kinh tế trong nước, trong đó có ngành công nghiệp thép. Đặc biệt, với vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng nguyên vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành thép được kỳ vọng sẽ tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát
Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nhận định, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang đứng trước những thay đổi mang tính bước ngoặt, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.

Về chính sách thuế quan quốc tế, ông Thắng cho biết, ngành thép Việt Nam hiện không chịu tác động trực tiếp từ việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng, bởi nhiều doanh nghiệp trong ngành, bao gồm Hòa Phát, đã nằm trong diện chịu thuế theo Mục 232 từ những năm trước. Trong khi đó, các đối tác đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc - vốn từng được miễn trừ - nay cũng đã bị áp thuế theo quy định này. Do đó, theo ông, về tổng thể ngành thép Việt Nam không chịu tác động trực tiếp việc áp thuế quan đối ứng của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý rằng điều đáng quan tâm hơn là mức độ ảnh hưởng gián tiếp của các chính sách đó tới nền kinh tế Việt Nam nói chung. "Những biến động từ chính sách thuế quốc tế có thể ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu tiêu thụ thép trong nước, từ đó tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp như Hòa Phát. Dù vậy, chúng tôi tin tưởng Chính phủ sẽ có những chính sách điều hành linh hoạt để duy trì tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, từ đó giúp ổn định thị trường tiêu thụ thép trong nước", ông chia sẻ.

Đầu tư trung bình hơn 1 tỷ USD mỗi năm vào các dự án trọng điểm

Về định hướng phát triển trong 5 năm tới, ông Thắng cho biết Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, doanh nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp, bao gồm duy trì thị phần trong nước và phát triển các dòng sản phẩm chất lượng cao phục vụ ngành chế biến, chế tạo. Hòa Phát tiếp tục mở rộng hiện diện tại nhiều quốc gia, thay vì tập trung vào một số thị trường lớn nhằm hạn chế rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và duy trì tỷ trọng hợp lý tại từng thị trường.

Về sản phẩm, tập đoàn đang đầu tư vào các dòng thép công nghệ cao phục vụ những ngành công nghiệp trọng điểm như đóng tàu, dầu khí và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là các lĩnh vực có nhu cầu lớn và tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

“Chính phủ đã xác định thép là một ngành nền tảng của nền công nghiệp hiện đại. Thép thường được ví như ‘bánh mì của ngành công nghiệp’, bởi vai trò thiết yếu trong mọi hoạt động sản xuất và xây dựng. Với vị thế là doanh nghiệp sản xuất thép tư nhân lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát tự tin có thể đáp ứng n các nhu cầu về thép cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong kỷ nguyên mới”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông cũng tiết lộ, trung bình mỗi năm Hòa Phát đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các dự án mới, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của Chính phủ như đường sắt cao tốc, điện hạt nhân… góp phần làm thay đổi cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Việt Nam còn phát triển ở mức độ khiêm tốn là do phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, cũng như chưa xây dựng được thị trường đủ mạnh cả trong nước lẫn quốc tế để hỗ trợ sự hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, việc Hòa Phát tự chủ được nguồn nguyên liệu là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng, với định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được Chính phủ xác lập là mũi nhọn tăng trưởng, các doanh nghiệp như Hòa Phát sẽ có nhiều cơ hội đóng góp hiệu quả vào tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới", ông Thắng khẳng định.

Hòa Phát: Mỗi năm đầu tư 1 tỷ USD làm đường sắt cao tốc, điện hạt nhân... - Ảnh 1

 

Thu An

Theo Vietnamfinance