Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: ABBank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua

Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: 11 nhà băng Việt lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua.

 

Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: 11 nhà băng Việt lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua.

11 nhà băng Việt lọt Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu

Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu thế giới vừa công bố bảng xếp hạng 500 thương hiệu ngân hàng (Brand Finance Banking 500) lớn nhất toàn cầu năm 2022.

Việt Nam có 11 ngân hàng lọt bảng xếp hạng 500 ngân hàng giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VPBank, BIDV, MB, ACB, Sacombank, riêng HDBank và SHB là hai ngân hàng mới lọt vào top 500.

Cụ thể, Agribank là ngân hàng sở hữu giá trị thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam, đứng thứ 157 trên toàn cầu, tăng 16 bậc so với năm trước. Xếp sau đó là Vietcombank, đứng thứ 162, tăng 18 bậc. Các ngân hàng còn lại bao gồm VietinBank, Techcombank, VPBank, BIDV, MB, ACB, Sacombank, HDBank và SHB có thứ hạng lần lượt là 184, 196, 205, 212, 247, 311, 370, 430 và 456.

Theo Brand Finance, MB là ngân hàng có giá trị thương hiệu tăng nhanh nhất trong bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022, với tốc độ 113% lên 642 triệu USD. Giá trị thương hiệu của Techcombank cũng tăng 80% lên 945 triệu USD. Ngân hàng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, như một phần trong chiến lược khách hàng là trọng tâm. 

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: ABBank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua - Ảnh 1
Các ngân hàng Việt Nam lọt top 500 thương hiệu giá trị nhất. Nguồn: Brand Finance.  

Theo đánh giá của Brand Finance, nhìn ở cấp độ quốc gia, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu tổng thể 49%, ngành ngân hàng Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đơn vị này nhận định 2022 là một năm rất thành công đối với các ngân hàng Việt Nam, khi cả tài sản, nguồn vốn và kết quả hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng. Điều này được củng cố bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch dưới sự quản lý tốt của Chính phủ.

Năm 2021, hơn 400 nhân viên của một ngân hàng nghỉ việc

Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2021, Eximbank và các công ty con có 5.141 cán bộ, nhân viên, giảm 420 người so với cuối năm 2020. Riêng tại ngân hàng mẹ Eximbank, số nhân viên giảm 425 người trong năm 2021 xuống còn 5.083 người.

Trước đó, trong năm 2020, số cán bộ nhân viên của Eximbank cũng giảm tới 780 người. Trong nhóm ngân hàng tầm trung, ngân hàng lớn, Eximbank là nhà băng có tình hình cán bộ nhân viên sụt giảm mạnh nhất 2 năm trở lại đây.

Năm 2021, Eximbank đã chi hơn 1.293 tỷ đồng để trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên trong năm qua, tăng 3,7% so với năm 2020. Ước tính thu nhập bình quân nhân viên Eximbank năm 2021 đạt 20,4 triệu đồng/tháng.

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: ABBank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua - Ảnh 2

Mới đây, HĐQT Eximbank thông qua chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Chủ tịch HĐQT sẽ thực hiện các thủ tục ký thỏa thuận chấm dứt.

Việc dừng thỏa thuận liên minh có thể là bước đầu cho việc thoái vốn của SMBC tại Eximbank trong thời gian tới.

Năm 2008, SMBC trở thành cổ đông chiến lược khi nắm giữ 15% vốn Eximbank. Đến nay, ngân hàng này đang gặp những xung đột về cơ cấu nhân sự, do không có sự thống nhất giữa cổ đông lớn và lãnh đạo ngân hàng. SMBC nhiều lần thúc đẩy quá trình thống nhất giữa các nhóm cổ đông để ổn định hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa có sự rõ ràng.

Theo kế hoạch, ngày 15/2, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2. Một trong các nội dung quan trọng là bầu lại HĐQT và BKS của ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025. Danh sách các ứng viên đề cử, ứng cử đã được gửi đến Eximbank trước ngày 14/1 để ngân hàng xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

16 ngân hàng giảm lãi 21.244 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay với tổng số tiền lãi giảm luỹ kế từ 15/7/2021 đến 31/12/2021 khoảng 21.244 tỷ đồng.

Trong đó, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước tiên phong và dẫn đầu về số tiền giảm lãi. Cụ thể, Agribank đứng đầu với mức giảm 5.512 tỷ đồng; Vietcombank giảm 4.635 tỷ đồng; BIDV giảm 4.128 tỷ đồng; VietinBank giảm 2.259 tỷ đồng.

Kế đó, mức giảm lãi của các ngân hàng thương mại khác như sau: ACB giảm 859 tỷ đồng; MB giảm 640 tỷ đồng; VPBank giảm 605 tỷ đồng; Techcombank giảm 539 tỷ đồng; SHB giảm 389 tỷ đồng; Sacombank giảm 453 tỷ đồng; HDBank giảm 302 tỷ đồng; SeABank giảm 287 tỷ đồng; TPBank giảm 246 tỷ đồng; MSB giảm 185 tỷ đồng; LienVietPostBank giảm 158 tỷ đồng; VIB giảm 47 tỷ đồng.

Như vậy, nếu so với mức 20.613 tỷ đồng đã cam kết hồi trung tuần tháng 7/2021, đến nay 16 ngân hàng thương mại trên đã thực hiện được 105,13%.

Ngoài ra, riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

ABBank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - UpCOM: ABB) trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 35%.

Theo đó, các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ABB trước ngày 10/2 sẽ có quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%. Tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng  là 11/2 được nhận thêm 35 cổ phiếu thưởng.

Nguồn tài chính sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng là từ một phần lợi nhuận chưa phân phối còn lại từ năm 2018 đến năm 2020 và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Sau khi hoàn thành chia cổ phiếu thưởng, vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng. ABBank cho biết sẽ trình ĐHCĐ dự kiến tổ chức tháng 4/2022 về phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2021.

Trong năm 2022, ABBank cũng có kế hoạch thực hiện chuyển sàn giao dịch cổ phiếu và thực hiện dự án chuyển đổi ngân hàng số theo lộ trình.

Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: ABBank chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%; Eximbank ghi nhận hơn 400 nhân viên nghỉ việc năm qua - Ảnh 3
Diễn biến cổ phiếu ABB.

Chủ tịch HĐQT của ABBank, Ông Đào Mạnh Kháng chia sẻ sau khi hoàn tất lộ trình tăng vốn, ngân hàng cũng sẽ tiến hành ngay các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết trong thời gian tới.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ