Năm 2021, loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thăng hoa

Năm 2021, loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, nhưng nợ xấu vẫn tăng ở một số ngân hàng.

Ngân hàng nào cũng "bội thu" dù Covid - 19

Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý năm 2021, bức tranh lợi nhuận ngân hàng theo đó cũng đã được rõ hình hài.

Theo đó, bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng có sự thay đổi rõ nét. Nếu như nửa đầu năm là một màu sáng thì cú sốc từ làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát trong quý 3 khiến đà tăng trưởng chậm lại. Bước sang quý 4 khi nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp tái sản xuất - kinh doanh, nhiều ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, điều này tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng.

Năm 2021, loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thăng hoa - Ảnh 1

Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank vẫn tiếp dẫn đầu về quy mô lợi nhuận với con số lãi trước thuế đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 19%. Ngân hàng BIDV cũng phá kỷ lục về số lãi với 13.602 tỷ đồng, tăng đến 51%.

Nhà băng dẫn đầu ở nhóm ngân hàng tư nhân là Techombank, với lãi trước thuế đã xấp xỉ mức 1 tỷ USD, tương ứng 23.238 tỷ đồng, tăng đến 47% so với cùng kỳ.

Tại VPBank, khoản lợi nhuận từ việc bán công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cho nhà đầu tư ngoại cũng giúp ngân hàng báo lãi lớn, mang về 20.352 tỷ đồng. Tính chung, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2021, kết quả kinh doanh sơ bộ ở nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng ở mức rất cao. Chẳng hạn như lợi nhuận trước thuế của MB tăng 55%,đạt hơn 16.527 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch đề ra nhờ tăng cả nguồn thu chính và thu ngoài lãi; LienVietPostBank báo lãi trước và sau thuế năm 2021 tăng lần lượt 50% và 54% so với năm trước, đạt 3.638 tỷ đồng và 2.874 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế tại VIB tăng 38% đạt 8.011 tỷ đồng; ACB công bố lợi nhuận trước và sau thuế hợp nhất năm 2021 tăng 25% so với năm trước, đạt hơn 11.998 tỷ đồng và gần 9.603 tỷ đồng tăng 25%;...

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, lợi nhuận cũng tăng mạnh. Chẳng hạn MSB báo lãi trước thuế tăng gấp đôi, đạt hơn 5.088 tỷ đồng; SeaBank báo lãi trước và sau thuế tăng 89% và 92% so với năm trước, đạt lần lượt 3.269 tỷ đồng và 2.607 tỷ đồng nhờ tăng thu nhập chính và dịch vụ. Hay ngân hàng Bản Việt báo lợi nhuận đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch. Thậm chí tại Nam A Bank báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 1.799 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 79% so với năm 2020 và vượt 29% kế hoạch.

Dù vậy, bức tranh lợi nhuận cũng có những ngân hàng tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm.

Đơn cử như ở Vietinbank, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. Con số ở Eximbank khoảng 1.205 tỷ đồng, giảm khoảng 10%. Ngân hàng Quốc Dân lợi nhuận cả năm chỉ đạt 4 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước đó.

Nợ xấu cũng tăng mạnh

Mặc dù các con số về lợi nhuận ngân hàng những năm gần đây ngày càng đẹp, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhất là vấn đề nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên. Con số nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%.

Đáng chú ý, thời gian dịch Covid-19 diễn ra, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo Phó thống đốc Tú, trong trường hợp thận trọng hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, với các khoản nợ đang được cơ cấu lại theo Thông 01, Thông tư 03, Thông tư 14 thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 8,2%.

Các chuyên gia phân tích của SSI cũng cho rằng, một mốc thời gian quan trọng cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đánh giá, năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế, song hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động ổn định, dự kiến lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 25%.

Bước sang năm 2022, ngành ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi, nhưng phải đối mặt với không ít thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch lên ngành này có độ trễ nhất định, nhất là khi các khoản nợ tái cơ cấu sẽ kết thúc vào tháng 6/2022.

Năm 2021, loạt ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thăng hoa - Ảnh 2

Theo thống kê, tính đến 31/12/2021 nợ xấu tại 27 ngân hàng lên tới 74.500 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2020. Trong đó, loạt ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng trên 50% so với năm 2020.

Đơn cử tại ACB, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2021 tăng 52% so với đầu năm, lên mức hơn 2.799 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh 153% lên gần 538 tỷ đồng; tiếp đến là nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 114% lên hơn 882 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của ACB tăng từ mức 0,6% đầu năm lên 0,78%.

Tương tự, nợ xấu tại VIB tăng 58% so với đầu năm, chiếm hơn 4.670 tỷ đồng trong tổng nợ vay. Có sự dịch chuyển từ nợ nhóm 5 sang nhóm 3 và 4. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,74% lên 2,32%.

Đáng chú ý nhất tại Nam A Bank, nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng mạnh 117% lên 1.613 tỷ đồng. Kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,83% lên 1,57%. Được biết, trong năm 2021 ngân hàng trích gần 180 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 40% so với năm trước. 

Tại BIDV, VPBank, VietinBank vẫn là 3 ngân hàng đứng đầu danh sách có nợ xấu lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết. Tuy nhiên, nhóm này đã có sự thay đổi mạnh mẽ về thứ hạng.

Kết thúc năm 2021, VPBank bị đẩy lên vị trí ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất năm (soán ngôi của BIDV) với khối nợ xấu hợp nhất gần 15.887 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Tuy nhiên, trong khối nợ gần 16 nghìn tỷ đồng này thì nợ xấu của công ty con (Fe Credit) chiếm khoảng 65% do tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi nợ xấu ngân hàng mẹ chỉ tăng nhẹ 1%.

Tại BIDV, nợ xấu đã giảm gần 38% trong năm qua, từ mức 21.369 tỷ xuống còn 13.245 tỷ. Việc này đến từ việc giảm khối nợ lớn nhất tại ngân hàng - nợ nhóm 5 - gần 58%.

Còn tại Vietcombank ghi nhận nợ xấu tăng khoảng 17%, từ mức 5.230 tỷ đồng lên 6.121 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh đến từ việc nợ ở cả 3 nhóm 3,4,5 đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 4, tăng gần 333%.

Năm 2021, “cuộc đua” lợi nhuận của các ngân hàng đều đạt những kết quả ấn tượng. Dù vậy, việc nợ xấu chưa được xử lý triệt để khiến bức tranh toàn cảnh vẫn còn những gam màu xám. 

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ