Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: HDBank phát hành 165 triệu USD trái phiếu quốc tế
Ngành ngân hàng tuần qua chứng kiến loạt thông tin đáng chú ý như: HDBank phát hành 165 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2; Agribank đấu giá khoản nợ thế chấp bằng 13,2 triệu cổ phần EVN Finance;...
Agribank đấu giá khoản nợ thế chấp bằng 13,2 triệu cổ phần EVN Finance
Cụ thể, khoản nợ thứ nhất phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngày 30/3/2015 giữa CTCP ACB Thăng Long và Agribank.
Giá trị khoản nợ tính đến ngày 18/10/2021 là gần 71,2 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 38,3 tỷ đồng và dư nợ lãi là hơn 32,8 tỷ đồng; bao gồm lãi trong hạn 23,1 tỷ đồng, lãi quá hạn 9,7 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo (TSĐB) cho khoản nợ là 7,25 triệu cổ phần của EVN Finance được phát hành vào 11/3/2015. Trong đó bao gồm 1,7 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Hữu Bình; 250.000 cổ phần của bà Nguyễn Thị Hương; 1,5 triệu cổ phần của ông Tạ Minh Long; 1,5 triệu cổ phần của ông Nguyễn Hữu Hà An.
Ngoài ra, khối tài sản thế chấp còn có 500.000 cổ phần của ông Kiều Văn Vượng, 750.000 cổ phần của ông Ngô Anh Tuấn và 1 triệu cổ phần của ông Nguyễn Hữu Tuấn.
Giá khởi điểm của khoản nợ là hơn 51,8 tỷ đồng. Mức giá này chưa bao gồm thuế GTGT, các loại thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.
Khoản nợ thứ hai phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngày 15/12/2014 của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư tài chính và Bất động sản Quảng Đại và Agribank.
Giá trị khoản nợ tính đến 18/10/2021 là gần 141,6 tỷ đồng với dư nợ gốc là 71,6 tỷ đồng. Dư nợ lãi là hơn 69,9 đồng, trong đó lãi trong hạn: là 48,4 tỷ đồng và lãi quá hạn là 21,6 tỷ đồng.
Khoản nợ được đảm bảo bởi 6 triệu cổ phiếu EVF do CTCP Đầu tư ATS sở hữu tại EVN Finance. Phía ngân hàng cho biết số cổ phần này đã được EVN Finance xác nhận phong tỏa ngày 11/8/2016 theo đề nghị của Agribank Chi nhánh Tràng An.
Ngoài ra, TSĐB còn có toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Giá rao bán khởi điểm của khoản nợ là 103,2 tỷ đồng, giảm gần 19% so với lần rao bán trước đó vào cuối tháng 11.
Như vậy, tổng số cổ phiếu EVF đang được thế chấp tại Agribank là hơn 13,25 triệu cổ phiếu.
HDBank phát hành 165 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2
Theo phương án được đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua, HDBank sẽ phát hành cho nhóm các nhà đầu tư bao gồm International Finance Corporation (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới, DEG - Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft mbH thuộc ngân hàng kiến thiết Đức (KfW) và quỹ đầu tư quốc tế LeapFrog Investments.
Giá chuyển đổi dự kiến trên 43.000 đồng. Đợt phát hành này là bước đi đầu tiên trong chương trình hợp tác dài hạn của HDBank cùng các định chế tài chính quốc tế, bao gồm xây dựng và triển khai các kế hoạch giúp phát huy tốt nhất tiềm năng tăng trưởng của Ngân hàng và đóng góp tốt hơn nữa cho nền kinh tế, cộng đồng.
Song song hợp tác đầu tư, cung ứng nguồn vốn cho vay khách hàng tiểu thương doanh nghiệp nhỏ, bao gồm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phát triển tín dụng xanh, IFC và các định chế tài chính quốc tế sẽ cùng HDBank nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Đây là đợt phát hành trái phiếu quốc tế tiếp theo đợt phát hành năm trước cho các dịnh chế tài chính hàng đầu châu Âu và khu vực. Các thỏa thuận đặt trên nền tảng hợp tác vì sự phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội
Lãi suất huy động tiếp tục tăng, cao nhất lên đến 7,4%/năm
Theo thống kê, lãi suất huy động trong 2 tuần gần đây đã tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,4%/năm thay vì mức 7,1%/năm hồi đầu tháng.
Lãi suất trên 7%/năm còn được niêm yết tại một số ngân hàng khác. Ví dụ, SCB mới đây cũng cập nhật biểu lãi suất mới đối với hình thức gửi online, theo đó lãi suất cao nhất là 7,15%/năm, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và không yêu cầu số tiền gửi lớn. Trong khi đó, một số ngân hàng có lãi suất cao nhất 7%/năm như Techcombank, MSB nhưng yêu cầu số tiền gửi hàng trăm tỷ đồng. Ở mức 6,7-6,9%/năm thì có nhiều ngân hàng áp dụng mà không yêu cầu số tiền tối thiểu như CBBank, Kienlongbank, VietBank...
Trong khi đó, đa số các ngân hàng lớn niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng từ 6,0-6,2%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng top đầu thì chỉ từ 5,5-5,6%/năm.
Ở nhóm Big4, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm (đối với gửi tại quầy. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) cũng có mức lãi suất tương đương. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm khi gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Con gái Phó Chủ tịch TPBank mua xong 1 triệu cổ phiếu trước thềm chia thưởng cổ phiếu
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), bà Đỗ Quỳnh Anh đã mua vào 1 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) trong ngày 17/12.
Kết phiên giao dịch ngày 17/12, giá cổ phiếu TPB dừng ở 51.300 đồng/cp. Ước tính với giá trị này, bà Quỳnh Anh sẽ chi ra khoảng 51,3 tỷ đồng cho giao dịch trên.
Bà Quỳnh Anh là con gái ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Hiện nay, ông Tú đang nắm giữ gần 43,44 triệu cổ phiếu TPB, chiếm tỷ lệ 3,71% vốn.
Em trai Bầu Thuỵ không bán được cổ phiếu LPB nào
Ông Nguyễn Xuân Thủy, em trai ông Nguyễn Đức Thụy - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - HOSE: LPB) vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu LPB đã đăng ký bán trước đó.
Ông Thuỷ cho biết do không sắp xếp được thời gian giao dịch (đăng ký từ ngày 1-15/12/2021), ông không bán được cổ phiếu LPB nào.
Theo đó, hiện tại ông Nguyễn Xuân Thuỷ vẫn sở hữu 1,8 triệu đơn vị, tương ứng 0,15% tổng số cổ phần LienVietPostBank.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Thuỵ đang sở hữu 32,24 triệu cổ phiếu LPB, tương ứng tỉ lệ 2,68% vốn ngân hàng.
Kho bạc Nhà nước bơm hơn 18.000 tỷ đồng ra thị trường
Với loại hình giao dịch giao ngay và giá mua vào niêm yết trên NHNN là 22.650 VND/USD, lượng tiền VND được bơm ra NHTM tương đương là 18.120 tỷ đồng. Nhóm phân tích nhận định động thái này của KBNN cho thấy thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc duy trì thanh khoản thị trường dồi dào để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, KBNN cũng có thể tận dùng thời điểm hiện tại khi giá mua vào ngoại tệ ở mức thấp (thấp nhất kể từ 2018 tới nay) để tăng dự trữ ngoại tệ và phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu bằng ngoại tệ.
Trong tuần qua, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn được duy trì ở trạng thái ổn định và dồi dào khi NHNN vẫn không thực hiện một hoạt động nào mới trên kênh thị trường mở trong suốt gần 10 tháng nay.