Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Ngân hàng hé lộ lợi nhuận quý 1; SCIC muốn mua 1 triệu cổ phiếu của MBB
Loạt ngân hàng hé lộ lợi nhuận quý 1/2022 , Đầu tư SCIC muốn mua 1 triệu cổ phiếu của MBB; Eximbank giải trình bán cổ phiếu STB dưới giá tối thiểu... là những tin ngân hàng đáng chú ý trong tuần.
Loạt ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh quý 1/2022
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã cho biết một số thông tin được ghi nhận từ buổi gặp gỡ nhà đầu tư của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) ngày 1/4.
Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngân hàng đã tiết lộ kết quả kinh doanh trong quý 1 với dư nợ tín dụng tăng 7% so với quý trước, tổng tài sản tăng 6% nhưng con số lợi nhuận chưa được tiết lộ.
Trong năm 2022, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10 - 12%, tăng trưởng tổng tài sản 5-10% và lợi nhuận trước thuế dao động khoảng 19.300 - 20.200 tỷ đồng, tăng 10 - 15% so với năm trước.
Đối với VPBank, ngân hàng ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2022 đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với năm trước và bằng 44,5% so với dự báo cả năm của VCSC là 20.200 tỷ đồng.
Cụ thể, tổng tài sản đạt khoảng 525.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 5,2% so với đầu năm, đạt khoảng 374.000 tỷ đồng; huy động tăng 1,6%, đạt khoảng 386.000 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA cải thiện từ mức 25% cuối năm 2021 lên 27% tại thời điểm cuối quý 1/2022.
Lợi nhuận hợp nhất quý 1 khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 37%, trong đó có sự đóng góp của mảng Bancassurance với mức 390 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện hơn đạt 0,74% tại thời điểm cuối quý 1, tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 200%.
Eximbank giải trình bán cổ phiếu STB dưới giá tối thiểu
Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với nhiều nội dung quan trọng.
Đáng chú ý, tại phiên họp này, Hội đồng quản trị ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB (Sacombank) giai đoạn 2017-2018. Đây là báo cáo giải trình theo yêu cầu của Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (Cục II) đưa ra từ năm 2018, tuy nhiên do 4 năm qua ngân hàng liên tục tổ chức đại hội bất thành và tới tháng Hai năm nay mới tổ chức thành công đại hội thường niên.
Cụ thể, Eximbank cho biết trước tháng 11/2017, ngân hàng sở hữu hơn 165 triệu cổ phiếu STB, tương đương 8,76% vốn điều lệ Sacombank. Để đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, Eximbank phải bán ra cổ phiếu STB để giảm sở hữu xuống dưới 5%.
Theo phương án chuyển nhượng được Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận, giá bán tối thiểu mỗi cổ phiếu STB do Eximbank sở hữu phải là 13.000 đồng.
Eximbank sau đó thực hiện thoái vốn Sacombank thông qua các giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE.
Theo đó, ngân hàng đã bán khớp lệnh trực tiếp cổ phiếu STB trên sàn HoSE gồm hai lô. Lô 142,4 triệu cổ phiếu STB bán giá bình quân 14.279 đồng nhưng lô hơn 22,8 triệu cổ phiếu còn lại chỉ được bán với giá 12.700 đồng/cổ phiếu (thấp hơn mức tối thiểu 13.000 đồng đã được Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt).
Theo lý giải của Eximbank, tuy một trong hai lô cổ phiếu STB bán ra với giá thấp hơn mức tối thiểu 13.000 đồng/cổ phiếu nhưng tổng hơn 165,2 triệu cổ phần bán ra vẫn có giá bình quân 14.064 đồng/cổ phiếu (cao hơn mức tối thiểu).
Số tiền bán thu được là hơn 2.323 tỷ đồng. Giá vốn của khoản đầu tư hơn 1.672 tỷ đồng nên sau khi trừ phí giao dịch, ngân hàng vẫn lãi 647,6 tỷ đồng. Eximbank cho rằng kết quả thoái vốn của khoản đầu tư có lãi và đã đóng góp phần lớn vào kết quả lợi nhuận chung giai đoạn 2017-2018.
Cũng theo Eximbank, việc giao dịch số lượng 22,8 triệu cổ phiếu có giá dưới 13.000 đồng cổ phần tuy không đáp ứng phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước nhưng đã đảm bảo mục tiêu thoái vốn của nhà băng tại STB theo yêu cầu và có lãi.
Phần lý giải này được Eximbank nêu ra sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giải trình và tìm phương án khắc phục nếu không được cổ đông chấp thuận.
Năm 2018, văn bản của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank báo cáo đầy đủ việc chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới giá 13.000 đồng một cổ phiếu dẫn tới làm giảm thu nhập của ngân hàng để Đại hội đồng cổ đông có ý kiến.
Nếu Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành Eximbank phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự đề xuất xử lý đối với tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trường hợp Đại hội đồng cổ đông Eximbank không thông qua hoặc yêu cầu xem xét trách nhiệm, ngân hàng phải xác định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 6,3 tỷ đồng (chưa gồm thuế, phí). Ngoài ra, ngân hàng cũng phải xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những thiệt hại gây ra.
Ngân hàng rao bán các khoản nợ liên quan đến 2 dự án lớn của Tân Hoàng Minh
Ngày 5/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã phát đi thông báo bán khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh (Công ty Phú Thanh) tại chi nhánh Bắc Ninh. Giá trị khoản nợ không được SHB công bố.
Tài sản bảo đảm là bao gồm toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai trong Dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc Dự án "Đầu tư xây dựng khu nhà ở phía đông Hồ Nghĩa Đô" tại địa chỉ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cũng bao gồm toàn bộ tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 2019/KD/PTTHM ký ngày 20/12/2019 giữa Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Thanh.
Khoản nợ cũng được thế chấp bằng các tài sản phát sinh từ Hợp đồng bảo lãnh số 30/2019/HĐBL-PN/SHB.111000 ký ngày 30/12/2019 giữa SHB và Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Theo tìm hiểu, dự án Khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô có tên thương mại là dự án căn hộ đế vương D’.Palais de Louis do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 12/2009, gồm 242 căn hộ. Dự án cao 27 tầng và 4 tầng hầm, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích 4.791 m2 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 5/4, SHB thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Minh Việt tại chi nhánh Ba Đình. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai từ dự án "Đầu tư xây dựng khu nhà ở tại số 486 Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội".
Dự án này do CTCP Tổng Bách Hóa (Tổng Bách Hóa) – một đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.
Nửa cuối năm, tăng trưởng tín dụng có thể hạ nhiệt
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trưởng tín dụng đạt 4,13% tính đến ngày 23/3, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (trước Covid) là 3,13%. Kết quả này là nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp lần đầu cao hơn (11% so với 8% năm ngoái), ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tận dụng cầu tín dụng khỏe và kinh tế hồi phục để mở rộng dư nợ cho vay vào các lĩnh vực được định hướng, và có thể duy trì tốc độ hiện tại thêm vài tháng do nhu cầu bị dồn nén.
''Xu hướng tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ cải thiện và duy trì ổn định trong nửa đầu năm, với tốc độ cao hơn so với các năm trước'', VDSC nhận định.
Theo VDSC, tăng trưởng lưu lượng tín dụng có thể giảm trong nửa cuối năm một phần để kiểm soát các giới hạn theo quy định và chờ hạn mức tăng trưởng mới. Tổng hợp mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong danh mục theo dõi, nhóm phân tích dự báo mức tăng trưởng tín dụng trong khoảng 13,3-15,2%, trung bình là 14,3%. Biên độ dự phóng này được cho là đã tính đến một số tình huống không mong muốn như xảy ra giãn cách và các áp lực như lạm phát cao hơn.
Trong khi đó, tăng trưởng huy động sẽ tiếp tục bị chậm hơn tín dụng, nhưng chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động dự kiến sẽ được thu hẹp. VDSC cho rằng tăng trưởng huy động sẽ được hỗ trợ bởi đà phục hồi của lưu thông và lãi suất huy động cao hơn, vốn sẽ dẫn đến hiệu ứng tái cân bằng danh mục và lãi kép cao hơn. Qua đó dự báo mức tăng trưởng tiền gửi năm 2022 trong khoảng 11,1-12,4%, trung bình là 11,8%.
Con số ước tính này khá sát so với kết quả cuộc khảo sát gần đây của NHNN. Theo đó, các tổ chức tín dụng dự báo tăng trưởng tín dụng 14,1% và tăng trưởng huy động 11,4% năm 2022. Giá trị kỳ vọng tăng trưởng tiền gửi được điều chỉnh giảm so với khảo sát trước, từ mức 12,1%.
Đầu tư SCIC muốn mua 1 triệu cổ phiếu của MBB
Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) - công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC), thông báo đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ 0,0265% qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích của giao dịch này là đầu tư tài chính. Hiện SIC không sở hữu cổ phiếu MBB. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 12/4 đến 11/5.
Bà Vũ Thu Huyền, thành viên HĐQT của MB (HoSE: MBB) đang là người đại diện phần vốn sở hữu của SCIC, nắm 78.341 cổ phiếu, tỷ lệ 0,00207%.
Kết phiên 8/4, thị giá MBB ở mức 33.200 đồng/cp, tăng 15% so với đầu năm.
Năm 2022, MB lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với 2021. Tổng tài sản dự kiến 700.000 tỷ đồng, tăng 15%. Vốn điều lệ ở mức 46.882 tỷ đồng, tăng 24%. Dư nợ tín dụng ở mức 472.000 tỷ đồng tăng 16% và theo giới hạn room mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.
Sẽ thử nghiệm cho vay ngang hàng
Theo bản dự thảo, công ty cho vay ngang hàng trong quá trình tham gia cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi: cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng; các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành, lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành làm thay đổi các thông tin qua giải pháp Fintech, thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Đồng thời, nhân sự quản lý, điều hành công ty cho vay ngang hàng không được đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử.