Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp?

Sự kiện 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ của Tân Hoàng Minh bị hủy đã đặt ra câu hỏi lớn đang được đặt ra: Doanh nghiệp huy động trái phiếu cả trăm nghìn tỷ thì ai là người mua?

Sự kiện UBCKNN quyết định hủy 9 lô trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trị giá lên đến hơn 10.000 tỷ đã gióng tiếp một hồi chuông lớn về trái phiếu doanh nghiệp. Đây không phải lần đầu những rủi ro liên quan sản phẩm này được các cơ quan đưa ra. Nhưng, dường như các bên liên quan đều đã không thực sự "nghe lời".

Lộ diện hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 của VPBank, ngân hàng này hiện đang nắm giữ gần 30 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; 17,6 nghìn tỷ do các tổ chức tín dụng khác trong nước phát hành và, đáng lưu ý là gần 27,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1

Cũng theo báo cáo tài chính kiểm toán của VPB, trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành thường có lãi suất cao hơn rất nhiều so với trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương khá nhiều. Chính vì thế, khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nếu thành công sẽ mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng.

Cũng tương tự như VPBank, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng "ưa chuộng" đầu tư vào trái phiếu. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 thì TPBank đang theo dõi khoản đầu tư hơn 62.700 tỷ đồng vào các sản phẩm chứng khoán nợ. Ngoại trừ trái phiếu Chính phủ vốn được giới đầu tư đánh giá là rủi ro rất thấp thì TPBank còn đầu tư gần 18.600 tỷ đồng là chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế trong nước. 

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 2

Con số bớt "khủng" so với VPBank hay TPBank nhưng cũng lên đến hàng nghìn tỷ đồng là khoản đầu tư của SHB vào mảng trái phiếu doanh nghiệp.

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 3

Theo báo cáo tài chính kiểm toán của SHB thì ngân hàng này vẫn đang nắm giữ gần 5.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc năm 2021.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank-mã CK: SSB) thời gian gần đây cũng nổi tiếng cùng "case" thành công huy động vốn trái phiếu của BRG. Thông tin BRG phát hành thành công hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu nhờ sự thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Asean và rồi phần nhiều tài sản đảm bảo sau đó được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từng gây chấn động thị trường tài chính. 

Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2021, SeABank ghi nhận khoản đầu tư vào trái phiếu tăng vọt từ 2.700 tỷ đồng đầu năm lên hơn 13.000 tỷ đồng cuối năm. Trong đó, khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi, lên hơn 1.500 tỷ đồng!

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 4

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã gia tăng mua thêm trái phiếu trong năm 2021. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2021, VIB không chỉ gia tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do các TCTD khác trong nước phát hành mà còn đầu tư thêm khoảng 800 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp so với thời điểm đầu năm 2021. Dư nợ trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tại VIB cũng nâng lên thành gần 2.600 tỷ đồng.

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng chảy vào trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 5

Vì đâu hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền ngân hàng "chảy" vào trái phiếu doanh nghiệp?

Trên đây chỉ là một phần trong số những khoản đầu tư lớn của các ngân hàng Việt vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

Không thể phủ nhận rằng, nếu sức khỏe doanh nghiệp tốt và việc phát hành trái phiếu tuân thủ quy tắc an toàn cao thì việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng. Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thông thường đạt lãi suất 10-15%/năm nhưng các loại công cụ khác như trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi của các TCTD hay trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành thường có lãi suất thấp hơn nhiều.

Bên cạnh lãi suất, nhiều người đang đặt ra một câu hỏi khác. Vì đâu ngân hàng lại mua trái phiếu doanh nghiệp thay vì cho doanh nghiệp vay vốn? Nếu cho doanh nghiệp vay vốn với quy mô nghìn, chục nghìn tỷ thì có thể sẽ vượt "room" tăng trưởng tín dụng và cũng có thể sẽ phải qua nhiều vòng xét duyệt. Còn nếu, việc ngầm "bơm vốn" cho doanh nghiệp được thực hiện qua kênh ngân hàng đầu tư vào trái phiếu của họ thì cách thức ghi nhận cũng khác đi rất nhiều.

An Phú

Theo Chất lượng và Cuộc sống