Tin Ngân hàng nổi bật trong tuần: Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu; Loạt ngân hàng cạn room ngoại
Trong tuần qua, HSBC vượt mặt Techcombank trở thành ngân hàng đầu tiên tăng thu nhập nhân viên lên trên 62 triệu đồng/tháng; ‘siết’ cho vay bất động sản, các ngân hàng tạm dừng cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án;Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu;...
Vượt mặt Techcombank, HSBC tăng thu nhập nhân viên lên trên 62 triệu đồng/tháng
Theo báo cáo tài chính năm 2021, trong năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận trước thuế của HSBC đã sụt giảm 17% so với năm 2020 xuống còn 1.647 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí dự phòng của HSBC tăng vọt lên 279 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2020. Đây cũng là mức trích lập lớn nhất trong 7 năm trở lại đây của nhà băng này.
Trong năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng tăng 27% lên hơn 163.700 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 54.981 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 31,1% lên 146.104 tỷ đồng.
Về nhân sự trong năm qua, HSBC Việt Nam có 1.302 nhân viên, giảm 15 người so với năm 2020. Ngân hàng chi hơn 972 tỷ đồng để trả lương, thu nhập khác cho cán bộ, công nhân viên. Tiền lương bình quân/người/năm là 574 triệu đồng, tương đương 48 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân nhân viên năm 2021 của HSBC Việt Nam là 62,25 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 58,75 triệu đồng/tháng năm 2020.
Theo đó, HSBC Việt Nam vẫn là ngân hàng có thu nhập bình quân nhân viên cao nhất ghi nhận được hiện nay.
Trong các ngân hàng nội địa, hiện mới chỉ có Techcombank có thu nhập bình quân nhân viên đạt trên 40 triệu đồng. Theo báo cáo tài chính, năm 2021, nhân viên nhà băng này có thu nhập bình quân 43 triệu đồng/tháng.
Các ngân hàng Việt khác có thu nhập bình quân nhân viên trên 30 triệu đồng còn có MB, Vietcombank, ACB,…
‘Siết’ cho vay bất động sản, các ngân hàng tạm dừng cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án
Ngày 18/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các nhà băng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Ngay sau đó, một số ngân hàng có động thái tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản trước chủ trương kiểm soát rủi ro ở lịnh vực này.
Sacombank ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết cần tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…
Đặc biệt, ngân hàng này cũng cho biết, sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở.
Trong khi đó, tại Techcombank, việc giải ngân các khoản vay mua bất động sản sẽ được tạm dừng cho đến hết quý I, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý II.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản lớn nhất toàn ngành.
Chính phủ đồng ý chủ trương gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025, tức kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại. Lý giải về các đề xuất trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong gần 5 năm áp dụng Nghị quyết số 42, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 368.9 ngàn tỷ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro).
Ngoài ra, số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ ngày 15/8/2017 đến cuối năm 2021, đạt trung bình khoảng 6.92 ngàn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.94 ngàn tỷ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017).
Loạt ngân hàng cạn room ngoại
Cổ phiếu nhóm ngân hàng không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mà ngay cả khối ngoại cũng rất tích cực nắm giữ. Điều này thể hiện rất rõ qua tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại nhiều ngân hàng hiện đã chạm ngưỡng tối đa 30%, trong khi số khác vẫn còn trống rất nhiều, thậm chí còn nguyên room ngoại.
Số liệu từ trung tâm lưu ký chứng khoán cho thấy, hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại là: ACB, MB, MSB, VIB, OCB, Techcombank, TPBank.
Điểm chung của những ngân hàng trên là có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao và sở hữu khả năng sinh lời hàng đầu hệ thống. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn mức tối đa theo quy định để tạo dư địa huy động vốn như VIB (20,5%), OCB (22%), Techcombank (22,47%), MB (23,23%).
Với những cổ phiếu trong nhóm này, chỉ cần "hở'' room liền lập tức có nhà đầu tư nước ngoài mua vào ồ ạt. Đơn cử như trường hợp VPBank, ngay sau khi nới room ngoại từ 15% lên 17,5% vào ngày 4/3, khối ngoại đã ồ ạt mua ròng hơn 23 triệu cổ phiếu, đẩy mã này tăng mạnh.
Tại các cổ phiếu như ACB, MBB hay TCB, tỷ lệ sở hữu khối ngoại cũng gần như "bất động’’ tại mức tối đa cho phép.
Ở chiều ngược lại, vẫn còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí vẫn còn nguyên 100% room ngoại chưa sử dụng đến, như SeABank, Bac A Bank, VietCapital Bank, KienLongBank, PG Bank, VietABank, VietBank, SHB, LienVietPostBank,…
Tăng trưởng tín dụng quý 1/2022 đạt 4,03%
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tíh đến 21/3, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 2,5% so với cuối năm 2021, cùng thời điểm năm trước tăng 1,49%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15%, cùng kỳ năm trước tăng 0,54%.
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03%, quý I/2021 tăng 1,47%.
Trong quý 1/2022, lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.