Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Vietcombank trở lại ‘ngôi vương’ lợi nhuận, thêm một 'ông lớn' tăng lãi suất huy động
Những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua như: Vietcombank trở lại ‘ngôi vương’ lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm; thêm nhiều ngân hàng báo lãi tăng trưởng mạnh; một 'ông lớn' ngân hàng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động;...
Vietcombank trở lại ‘ngôi vương’ lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng Vietcombank trở lại ‘ngôi vương’ lợi nhuận là một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua. Theo đó, sau khi VPBank tạm vượt Vietcombank về lợi nhuận trong quý 1/2022 thì sang quý 2, vị trí "quán quân" lại trở về với Vietcombank.
Cụ thể, quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7.423 tỷ đồng, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Các mảng kinh doanh của Vietcombank đều có kết quả khả quan trong quý này.
Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 của Vietcombank đạt 17.373 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ. Còn tại VPBank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 là 15.323 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ.
Về chất lượng tài sản, nợ xấu của ngân hàng Vietcombank cuối tháng 6 là 6.694 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 4.668 tỷ, tăng 6,3%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank giảm từ 0,64% hồi đầu năm xuống 0,61% vào cuối tháng 6/2022.
Đặc biệt, ngân hàng thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6. Cứ một đồng nợ xấu thì ngân hàng đã dự phòng tới 5 đồng. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay.
Thêm loạt ngân hàng báo lãi lớn
Một trong những tin ngân hàng cần quan tâm tuần qua là lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh.
Cụ thể, mới đây nhất, ngân hàng MB báo lãi trước thuế quý 2 gần 5.987 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ, do giảm 43% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, MB trích lập 3.500 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 17% so với cùng kỳ, do đó thu được khoản lãi trước thuế hơn 11.896 tỷ đồng, tăng 49%.
So với kế hoạch 20.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đặt ra cho cả năm, MB đã thực hiện được 59% sau nửa đầu năm.
Ngân hàng Eximbank cũng báo lãi trước thuế quý 2/2022 gần 1.094 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ do các hoạt động kinh doanh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và chỉ tăng 6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 288 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 1.903 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ.
So với kế hoạch 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, Eximbank đã thực hiện được 76% sau nửa đầu năm.
Còn tại ngân hàng Bản Việt báo lãi trước thuế nửa đầu năm gần 355 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ do giảm 14% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Xem thêm: Sắp diễn ra "Ngày chuyển đổi số" ngành ngân hàng
Trường hợp tại ngân hàng ACB, do được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1.386 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 4.914 tỷ đồng, tăng 51%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, chủ yếu nhờ hoàn nhập từ các khách hàng được cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế hơn 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 15.018 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm, ACB đã thực hiện được được 60% sau nửa năm.
Ngân hàng nhỏ như Saigonbank cũng báo lãi 6 tháng đầu năm 2022 gần 176 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, Saigonbank đã thực hiện được 93% kế hoạch chỉ sau nửa đầu năm.
Riêng quý 2, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng đến 59% so cùng kỳ, thu được 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, Saigonbank tăng trích lập dự phòng gấp 2,9 lần (103 tỷ đồng), do đó lãi trước thuế giảm 1%, chỉ còn hơn 77 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng MSB báo lãi trước thuế 6 tháng gần 3.336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; ngân hàng LienVietPostbank báo lãi trước thuế gần 3.589 tỷ đồng, tăng 76% so cùng kỳ; ngân hàng Sacombank báo lãi 2.908 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, tương đương 55% kế hoạch năm.
Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng 0,5 - 1% cuối năm nay, lãi suất cho vay tăng 0,4 - 0,7%
Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm của Công ty chứng khoán KB (KBSV), các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối 2022.
Nguyên nhân là lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 0,5 - 1% trong năm nay, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.
Xem thêm: Lãi suất cho vay mua nhà biến động ra sao khi lãi suất huy động liên tục tăng?
Tính đến ngày 30/6, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,35% (6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 6,47%). Mức tăng trưởng tín dụng này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tăng lên khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Thêm một 'ông lớn' ngân hàng tham gia vào cuộc đua tăng lãi suất huy động
Cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Cụ thể, với các kỳ hạn dài từ 24 tháng – 60 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,1 điểm % từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm. Tương tự với kỳ hạn ngắn hơn như 3 tháng, lãi suất cũng tăng 0,1 điểm % từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm.
Đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 12 tháng, Vietcombank điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2 điểm %. Riêng kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất như cũ.
Lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh tăng mạnh đối với hình thức gửi trực tuyến (online). Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm % so với trước, lên 5,8%/năm - đây cũng là mức lãi suất cao nhất hiện nay tại Vietcombank.
Lãi suất tiết kiệm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 0,2 điểm %, lên 5,6%/năm. Với các kỳ hạn từ 6-9 tháng, ngân hàng tăng khoảng 0,1 điểm % lãi suất.
Trước Vietcombank, hai "ông lớn" khác cũng lần lượt tăng lãi suất huy động thêm 0,1 điểm % tại các kỳ hạn dài trong tháng 6 và tháng 7. Như vậy, mức lãi suất trung bình lại các ngân hàng quốc doanh hiện nay cao nhất rơi vào khoảng 5,6%/năm.
Một số tin ngân hàng đáng chú ý khác
Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, NHNN cho 17 tổ chức tín dụng vay nóng gần 10.000 tỷ
Phiên giao dịch 25/7 chứng kiến nhu cầu thanh khoản tăng cao trong hệ thống ngân hàng khi có tới 17 thành viên vay nóng gần 10.000 tỷ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,5%.
Cùng với hoạt động bơm thanh khoản trên kênh thị trường mở OMO, nhà điều hành cũng dừng việc hút tiền qua kênh tín phiếu. Trước đó, NHNN đã cho các tổ chức tín dụng vay gần 5.000 tỷ đồng qua kênh OMO và không phát hành tín phiếu mới trong phiên giao dịch cuối tuần trước.
Như vậy, hai phiên giao dịch gần đây đã chứng kiến sự đảo pha rõ rệt trong hoạt động điều hành của cơ quan quản lý khi chuyển từ trạng thái hút ròng sang bơm ròng thanh khoản. Xu hướng đảo chiều này diễn ra khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã không còn dư thừa như những tuần trước và lãi suất liên ngân hàng tăng vọt.
Lãnh đạo Seabank đăng ký bán cổ phiếu
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), 5 phó tổng giám đốc của SeABank (HoSE: SSB) đăng ký bán gần ra gần 12 triệu cổ phiếu SSB được khớp lệnh với giá chốt phiên ngày 25/7 ở mức 31.650 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch dự kiến khoảng gần 380 tỷ đồng.
Cả 5 đăng ký giao dịch đều cùng lý do giảm tỷ lệ sở hữu. Các giao dịch dự kiến được thực hiện từ 28/7 đến 26/8, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đối với ông Võ Minh Tuấn, từ ngày 1/8.
Ông Tuấn làm sếp ngân hàng Đông Á từ tháng 8/2015 và hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Như vậy, kể từ sau khi ông Tô Duy Lâm thôi làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM vào tháng 3/2021 đến 1/8 tới, cơ quan này mới chính thức có giám đốc mới.
Trước khi về ngân hàng Đông Á, ông từng là Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước. Ông Tuấn cũng từng làm lãnh đạo tại nhiều ngân hàng thương mại khác như VietinBank, OCB, trước khi về làm lãnh đạo cấp vụ tại Ngân hàng Nhà nước.
Xem thêm: Loạt ngân hàng báo lãi vượt kế hoạch nửa đầu năm