Tỉnh có sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt 40.500 tỷ đồng nối tới TP giàu nhất cả nước

Tuyến đường sắt này sẽ giữ nhiệm vụ chủ yếu là phương tiện vận tải hành khách từ trung tâm thành phố tới sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam.

Đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc

Tại kỳ họp thứ 16 diễn ra vào ngày 22/6, HĐND TP. HCM đã thông qua hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo quy hoạch này, không gian TP. HCM sẽ được sắp xếp và tổ chức trở thành một đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, và tăng cường kết nối vùng.

Theo định hướng đến năm 2030, TP. HCM sẽ là một đô thị với nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại, là đầu tàu kinh tế xanh và kinh tế số, có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Không gian TP. HCM sẽ được sắp xếp và tổ chức trở thành một đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, và tăng cường kết nối vùng. Ảnh: Độc Lập/Báo Thanh Niên
Không gian TP. HCM sẽ được sắp xếp và tổ chức trở thành một đô thị toàn cầu, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn, và tăng cường kết nối vùng. Ảnh: Độc Lập/Báo Thanh Niên

Quy hoạch cũng đưa ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Dự kiến, TP. HCM sẽ triển khai khoảng 199 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng vốn khoảng 360 tỷ USD.

Về phát triển đô thị, quy hoạch đảm bảo quá trình đô thị hóa gắn liền với thúc đẩy phát triển nông thôn. Thành phố sẽ nghiên cứu mô hình và cấu trúc phát triển "làng trong phố, phố trong làng" phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.

Tuyến đường sắt hơn 40.000 tỷ đồng

Về Quy hoạch hạ tầng giao thông, dự án xây dựng đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP. HCM) và điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). 

Tuyến đường sắt này chủ yếu chạy song song với cao tốc TP. HCM - Long Thành với tổng chiều dài 37,35km, trong đó đoạn qua TP. HCM dài 11,8km và qua Đồng Nai dài 25,55km. 

Phối cảnh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành chạy qua nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Phối cảnh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành chạy qua nút giao An Phú (TP Thủ Đức). Ảnh: Sở GTVT TPHCM

Theo dự kiến, tuyến đường sắt sẽ có 20 ga, bao gồm ga trong sân bay Long Thành, với depot được bố trí phía Đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP. HCM và sân bay quốc tế Long Thành, với tốc độ vận hành tối đa 80km/h và tốc độ khai thác 60km/h. 

Tính toán ban đầu cho thấy tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 40.500 tỷ đồng, với lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Dự án sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Mức đầu tư khái toán toàn bộ dự án là khoảng 16,06 tỷ USD, giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD.

Dự án khi hoàn thành sẽ là cảng hàng không quốc tế lớn nhất và quan trọng của Việt Nam, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.

Manh Lan

Theo Chất lượng và cuộc sống