Tỉnh được mênh danh là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ sắp khởi công cây cầu 1.600 tỷ đồng
Đây là cây cầu đầu tiên được thi tuyển phương án kiến trúc, thể hiện nét tiêu biểu, đặc trưng của địa phương
Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã họp, thông qua phương án thiết kế cầu Nguyễn Chí Thanh.
Theo thiết kế, phần cầu dài gần 400m, rộng 29m; đường nối hai bên cầu chính khoảng 6.600m, rộng 40m.
Phần cầu chính có 9 nhịp bằng bê tông cốt thép trong đó 3 nhịp giữa dài 140m (50-40-50m), được lắp đặt vòm thép với biểu tượng "quăng chài kéo lưới" tượng trưng cho cổng chào trên kênh xáng Xà No.
Hình ảnh quăng chài kéo lấy ý tưởng từ cá thát lát - đặc sản của Hậu Giang và lưới chài là nét đặc trưng của người dân địa phương, thể hiện một mùa thu hoạch bội thu.
Cầu Nguyễn Chí Thanh bắc qua kênh Xáng Xà No, điểm đầu nối Quốc lộ 61C tại phường 7, điểm cuối giao đường 19 Tháng 8, thuộc xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh.
Công trình có vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng từ vốn ngân sách, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối các tuyến giao thông đi Cần Thơ, Kiên Giang.
Khi đưa vào khai thác, cầu giúp hình thành trục kết nối với Quốc lộ 61C, tuyến giao thông huyết mạch nối Cần Thơ - Hậu Giang. Công trình cũng tạo điều kiện thuận lợi kết nối khu vực bờ bắc kênh Xáng Xà No với tỉnh Kiên Giang.
Hồi giữa tháng 10/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã chốt danh sách các đơn vị tham gia thi tuyển phương án kiến trúc cầu Nguyễn Chí Thanh, sau một tháng nhận hồ sơ.
Đây là cây cầu đầu tiên được thi tuyển phương án kiến trúc, thể hiện nét tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hậu Giang, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau ba năm.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng đây là công trình lớn có ý nghĩa lâu dài góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây thành phố Vị Thanh.
Tỉnh Hậu Giang trực thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, gồm 2 thành phố, 5 huyện và 1 thị xã. Hậu Giang hiện là một trong những khu vực đang được nhà nước đầu tư mạnh mẽ về du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang còn được mệnh danh là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ.