Tuyến đường Vành đai hơn 120.000 tỷ đồng đi qua 4 tỉnh Đông Nam Bộ chuẩn bị khởi công
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư trong quý II năm nay.
Mới đây, theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, thành phố chuẩn bị thuê đơn vị tư vấn thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho dự án Vành đai 4 TP. HCM.
Theo đó, TP. HCM và các tỉnh đang đẩy nhanh hoàn hồ sơ dự án Vành đai 4 TP. HCM và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.
Dự án Vành đai 4 qua tỉnh Bình Dương dài 47,5km với tổng mức đầu tư 18.993 tỷ đồng đã được tỉnh này phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng một số đoạn.
Đồng thời, tỉnh Bình Dương đang triển khai lập chi phí lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong cả nước. Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ khởi công trước dự án đường Vành đai 4 trong quý III/2024 (dự kiến trong tháng 7).
Còn dự án Vành đai 4 qua TP. HCM dài 17,3km, tổng mức đầu tư hơn 14.800 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.736 tỷ đồng).
Theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư trong quý II năm nay, phấn đấu khởi công dịp 30/4/2025.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tính hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, TP. HCM và các địa phương dự kiến đề xuất một số cơ chế đặc thù cho dự án Vành đai 4 TP. HCM.
Theo đó, cho phép tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án. Giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường,…
Tại hội nghị hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần đề nghị cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hóa.
Theo ông, vùng Đông Nam Bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, do đó cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ khó khăn về vốn.
Được biết, dự án Vành đai 4 đi qua TP. HCM và Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, toàn tuyến được nghiên cứu với tổng chiều dài gần 207km, trong đó Long An chiếm hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km và TP. HCM 17,3km.
Giai đoạn 1, dự án xây 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục và dải phân cách giữa hai chiều xe chạy... Giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai.
Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 127.230 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 78.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 49.100 tỷ đồng. Dự án được đề xuất theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Các địa phương sẽ làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn qua địa bàn. Do có khó khăn về ngân sách, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng (hơn 10.000 tỷ đồng).
Tỉnh Long An kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án (khoảng 28.458 tỷ đồng). Riêng TP. HCM sẽ tự cân đối vốn.
Đông Nam Bộ (còn được gọi là miền Đông) là một trong hai phần của Nam Bộ Việt Nam. Vùng Đông Nam Bộ có 1 thành phố trực thuộc trung ương là TP. HCM và 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.