Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên lên TP trực thuộc Trung ương: Sẽ có sân bay quốc tế và 'hồi sinh' tuyến đường sắt 'bỏ phế' 50 năm
Hai dự án giao thông phục vụ phát triển hạ tầng, du lịch của tỉnh thuộc Tây Nguyên đang được lãnh đãnh đạo địa phương tạo mọi điều kiện để triển khai.
Theo báo Đầu Tư, ngày 6/5, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư trong việc triển khai dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các hồ sơ, thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trong tháng 5/2024 để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án này.
Cùng với dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Cảng hàng không Liên Khương và làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện việc nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên Cảng hàng không quốc tế và tổ chức lễ công bố ở thời điểm thích hợp.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ được xây dựng trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương xây dựng với cấp sân bay 4E và công suất thiết kế dự kiến đạt 5 triệu hành khách mỗi năm. Trong giai đoạn từ 2030-2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương dự kiến sẽ có cấp sân bay 4E và công suất thiết kế đạt 7 triệu hành khách mỗi năm.
Khi được nâng cấp, Cảng hàng không Liên Khương sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Các đường bay quốc tế đi và đến Liên Khương sẽ tạo điều kiện phát triển thuận lợi kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.
Với dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, đây là dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Bộ Giao thông Vận tải triển khai. Dự án đi qua 2 địa phương tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án này là Công ty cổ phần Thương mại - dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt được khôi phục có chiều dài hơn 83km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung hai ga và hai trạm khách so với tuyến cũ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2025 đến tháng 6/2029.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã bị ngưng hoạt động từ năm 1972 do chiến sự ở miền Nam khiến vận chuyển đường sắt gặp khó khăn. Giữa năm 1975 khi đất nước thống nhất, tuyến đường sắt được vận hành trở lại nhưng chỉ chạy được đúng 7 chuyến từ Đà Lạt đến cầu Tân Mỹ (Ninh Sơn) thì bị ngưng lại vì không hiệu quả kinh tế.
Theo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển vào năm 2050.
Lâm Đồng cũng là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.