Tỉnh giàu nhất Việt Nam sẽ đưa một huyện lên thị xã sau thời điểm trở thành TP trực thuộc Trung ương
Địa phương này sẽ trở thành một cực phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội ở phía Đông của tỉnh.
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2040.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2030-2050 là nâng cấp các tiêu chí để đô thị Bắc Tân Uyên đạt đô thị loại IV, đồng thời thành lập thị xã Bắc Tân Uyên.
Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chính là xây dựng huyện Bắc Tân Uyên thành một cực phát triển mạnh mẽ về kinh tế và xã hội ở phía Đông của tỉnh, kết nối với hệ thống giao thông cấp vùng. Quy hoạch cũng đáp ứng mục tiêu đưa Bắc Tân Uyên trở thành thị xã trong giai đoạn 2030 - 2040.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Bắc Tân Uyên với 2 thị trấn Tân Thành, Tân Bình và 8 xã (Bình Mỹ, Tân Lập, Đất Cuốc, Tân Định, Hiếu Liêm, Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ). Về vị trí địa lý: Phía Bắc giáp huyện Phú Giáo và Bàu Bàng, phía Nam giáp thành phố Tân Uyên và sông Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), phía Đông giáp sông Bé và sông Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), phía Tây giáp thành phố Bến Cát.
Quy hoạch bao phủ toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Bắc Tân Uyên khoảng 40.031ha với định hướng phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - nông nghiệp sinh thái.
Công nghiệp được xác định là động lực tăng trưởng chính, với trọng tâm là hiện đại hóa các ngành hiện có, tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế của huyện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, hiện đại, lấy người nông dân làm trung tâm. Đồng thời, huyện sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, kết hợp với du lịch và dịch vụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này gắn liền với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, và các mô hình nông thôn kiểu mẫu bền vững, đậm bản sắc văn hóa.
Về dịch vụ, huyện sẽ phát triển các dịch vụ tổng hợp hiện đại, chất lượng cao nhằm tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, sẽ ưu tiên phát triển dịch vụ logistics, thương mại chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp và các khu phức hợp quy mô lớn.
Về đô thị và nông thôn, mục tiêu là thúc đẩy phát triển đô thị bền vững gắn với nông thôn, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống với hệ thống nhà ở xã hội, công viên cây xanh, và các thiết chế văn hóa xã hội. Huyện Bắc Tân Uyên sẽ trở thành huyện nông thôn mới, hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh Bình Dương đặt ra lộ trình phát triển theo từng giai đoạn. Đến năm 2030, huyện sẽ có 4 đô thị gồm: thị trấn Tân Thành (đô thị loại IV), thị trấn Tân Bình (đô thị loại V), đô thị Bình Mỹ và Tân Lập (đều đạt đô thị loại V). Hướng đến xây dựng các đô thị hiện đại và bền vững, Bắc Tân Uyên sẽ đạt đô thị loại IV vào giai đoạn 2030-2050, đồng thời thành lập thị xã Bắc Tân Uyên.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM.
Vài năm trở lại đây, Bình Dương luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Với tốc độ các khu công nghiệp mọc lên như "vũ bão", Bình Dương được xem là "mảnh đất màu mỡ" được nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm vào đầu tư vào logistics.
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 thì tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 15.800USD.