Tỉnh nhỏ thứ 2 Việt Nam, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương đang lọt vào ‘mắt xanh’ của nhiều doanh nghiệp địa ốc
Thị trường bất động sản tại tỉnh này có giá cả cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 đến 2/3 so với khu vực lân cận, nhưng vẫn giữ được sức hút đầu tư mạnh mẽ và tiềm năng phát triển vượt trội.
Tại "Hội thảo Thị trường Bất động sản Hà Nam - Sẵn sàng cho một chu kỳ mới và Lễ ra mắt Ban điều hành VARS Hà Nam" vừa qua, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam, cho biết đầu tư vào bất động sản Hà Nam đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Bitexco, và T&T. Thị trường bất động sản tại Hà Nam có giá cả cạnh tranh, chỉ bằng 1/3 đến 2/3 so với các tỉnh lân cận như Bắc Ninh và Bắc Giang, nhưng vẫn duy trì được sức hút đầu tư mạnh mẽ và tiềm năng phát triển vượt trội.
Đáng chú ý, hiện tại Hà Nam hơn 40 dự án bất động sản, bao gồm các dự án nhà ở thương mại và khu đô thị, bên cạnh các khu công nghiệp đang được triển khai. Bà Miền cũng nhấn mạnh rằng, Hà Nam đang thu hút vốn FDI và sự quan tâm của các "ông lớn" trong ngành bất động sản nhờ vào vị trí chiến lược gần Thủ đô Hà Nội và sự phát triển của hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, các dự án bất động sản tại Hà Nam vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, với quy mô và chất lượng chưa tương xứng với kỳ vọng.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định rằng Hà Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với chiến lược quy hoạch toàn diện, tập trung vào phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch. Mặc dù tỉnh này đã đạt được tỷ lệ đô thị hóa cao, chất lượng đô thị hiện tại vẫn còn hạn chế, với nhiều dự án quy mô trung bình tập trung chủ yếu tại TP. Phủ Lý. Theo ông, để nâng cấp đô thị, Hà Nam cần thu hút các nhà đầu tư lớn và phát triển các dự án quy mô lớn hơn.
Về lĩnh vực du lịch, Hà Nam đang xây dựng chuỗi du lịch đẳng cấp quốc gia với tuyến Hương Sơn - Tam Chúc - Bái Đính, góp phần biến tỉnh thành một vùng đất thiêng, thu hút các nhà đầu tư lớn như Sun Group. Với những chiến lược quy hoạch này, Hà Nam hứa hẹn sẽ trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Theo số liệu mới nhất, tính đến hết tháng 6/2024, Hà Nam có 1.205 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm 397 dự án FDI và 808 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt 6.278 triệu USD và 172.796 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm.
Hà Nam, tỉnh có diện tích nhỏ thứ hai Việt Nam với khoảng 860 km2, nhưng thu ngân sách năm 2023 của tỉnh tương đương với tổng thu của sáu tỉnh cộng lại. Tỉnh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.