Tỉnh rộng nhất miền Bắc Việt Nam sẽ có sân bay được quy hoạch cấp 4C với tổng vốn đầu tư 5.700 tỷ
Theo Quy hoạch 648, sân bay này sẽ đảm bảo công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn ICAO, với nhà ga công suất 1 triệu khách/năm năm 2030, tăng lên 2 triệu khách/năm năm 2050.
Nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã chính thức giao cho Cục Hàng không nhiệm vụ lập quy hoạch sân bay Nà Sản (Sơn La) cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của quy hoạch này là xây dựng một lộ trình đầu tư bài bản cho sân bay Nà Sản, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng và kết hợp chặt chẽ với quốc phòng - an ninh. Sân bay sẽ được trang bị công nghệ hiện đại, tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) và phục vụ nhu cầu phát triển của thị trường hàng không Việt Nam.
Theo Quy hoạch 648, sân bay Nà Sản được xác định là sân bay cấp 4C. Kế hoạch đặt ra là xây dựng nhà ga với công suất 1 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2030, và nâng công suất lên 2 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2050. Sân bay sẽ có một đường băng đủ điều kiện để khai thác các loại máy bay code C, kèm theo hệ thống đường lăn kết nối, sân đỗ máy bay, sân đỗ ô tô và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích đất dành cho quy hoạch này là khoảng 498,67 hecta, với ước tính chi phí đầu tư đến năm 2030 lên đến 5.688 tỷ đồng.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Sơn La đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư sân bay Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP) và giao cho UBND tỉnh Sơn La triển khai thực hiện dự án.
Sân bay Nà Sản, nằm trong mạng lưới sân bay miền Bắc theo quy hoạch, có vị trí chiến lược quan trọng. Được xây dựng vào năm 1950 với mục đích quân sự, sân bay này đã duy trì hoạt động trong những năm 1960 nhưng sau đó phải dừng khai thác do lượng khách ít. Năm 1994, sân bay Nà Sản được khôi phục hoạt động, nhưng đến năm 2004 lại phải đóng cửa do đường cất hạ cánh xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác.
Việc lập quy hoạch mới cho sân bay Nà Sản không chỉ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây Bắc mà còn góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển đồng bộ mạng lưới hạ tầng giao thông quốc gia.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 25 tỉnh thành miền Bắc Việt Nam, Sơn La có diện tích lớn nhất - 14.123,5km2. Với diện tích này, Sơn La chiếm 4,27% tổng diện tích Việt Nam, đứng thứ ba trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước, sau Nghệ An và Gia Lai.
Sơn La thuộc tiểu vùng Tây Bắc Bộ, phía Bắc giáp Lai Châu, Yên Bái; phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; phía Tây giáp Điện Biên; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.