Tỉnh sở hữu 'Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc' khởi động dự án hơn 2.500 tỷ của 'ông lớn' Hàn Quốc
Không chỉ nổi tiếng với Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc, tỉnh này còn có tiềm năng trong việc phát triển ngành công nghiệp thiết yếu nhất hiện nay.
Mới đây, Tập đoàn CNCTech (Việt Nam) và Công ty Cổ phần Signetics (Hàn Quốc) đã ký kết thoả thuận hợp tác về việc triển khai dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tại Vĩnh Phúc.
Dự án sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD ( 2.560 tỷ đồng), cung cấp các sản phẩm cho Samsung và SK nhớ, GPU, TV...
Dự kiến, Nhà máy sản xuất sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn tại Vĩnh Phúc sẽ có sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2025. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối thu hút đầu tư giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc và tỉnh Vĩnh Phúc.
Signetics là Công ty thuộc Tập đoàn Young Poong - một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất tại Hàn Quốc được thành lập năm 1949. Tập đoàn hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực gồm khai khoáng, điện tử và kinh doanh sách.
Công ty Cổ phần Signetics cung cấp dịch vụ lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn, các sản phẩm chính của công ty, bao gồm: Flip-Chip, MCM (mô-đun đa chip), BGA, FBGA… là thành phần quan trọng được ứng dụng trong sản xuất chip nhớ, GPU, TV… Công ty hiện là nhà cung cấp sản phẩm cho nhiều tập đoàn lớn như Samsung, SK...
Vĩnh Phúc không chỉ nổi tiếng với điểm du lịch Tam Đảo được mệnh danh là "Đà Lạt thu nhỏ của miền Bắc mà còn có tiềm năng trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bởi hệ sinh thái, cùng nhiều nhà cung ứng bán dẫn, thiết bị điện tử, vi mạch… với sự góp mặt của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về công nghệ bán dẫn như Samsung, Intel, Toshiba...
Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều năm trở lại đây, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Trung ương.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 27 khu công nghiệp. Hiện có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất.
Tỉnh đang ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ngoài hàng rào các KCN; phát triển hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu an sinh của người lao động, chuyên gia…
Trong đó, nhiều dự án lớn, trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh (tuyến đường Vành đai 5 - vùng Thủ đô và đoạn tuyến ven chân núi Tam Đảo kết nối giữa tuyến đường Vành đai 5 với Quốc lộ 2B đến Tây Thiên, đi Quốc lộ 2C và Tuyên Quang); cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, thành phố Vĩnh Yên; cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; các nút giao IC2 và IC5 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa bàn tỉnh; đường vành đai 4 theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, đoạn từ Quốc lộ 2 (Vĩnh Tường) đi ĐT.305…
Vĩnh Phúc cũng chuẩn bị các điều kiện khởi công một số dự án giao thông lớn, trọng điểm trong năm 2024 như: Dự án tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc với đường sắt Hà Nội - Lào Cai; Dự án đường Vành đai 4, Quốc lộ 2 đi ĐT.305…