Toàn cảnh cầu Nhơn Trạch trước thời điểm hợp long nối TP.HCM - Đồng Nai
Theo Chủ đầu tư Dự án, cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 – TP.HCM sẽ hợp long nhịp đầu tiên trong tháng 9/2024
Là dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cầu Nhơn Trạch dài 8,75km có tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TP.HCM.
Được xem là cây cầu có quy mô lớn nhất trên tuyến, dự án bao gồm 2 gói thầu xây lắp: Gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) và gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu). Đến nay, tổng sản lượng thi công khoảng 1.600/2.679,8 tỷ đồng (đạt hơn 61,5% giá trị hợp đồng).
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - Chủ đầu tư dự án, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) do Công ty Kumho E&C (Hàn Quốc) khởi công từ tháng 9/2022, đến nay đã lắp 44 dầm thuộc cầu dẫn bờ TP.HCM và 24 dầm phía tỉnh Đồng Nai, đạt hơn 80% khối lượng công việc. Dự kiến hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 9 và hoàn thành toàn bộ cầu vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 4 tháng.
Còn Gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) hiện đang thi công đạt hơn 30%. Gói thầu này chậm hơn một phần vì vướng mặt bằng đoạn bên bờ Đồng Nai, còn đoạn bên TP.HCM đã bàn giao sớm 100% mặt bằng.
Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay, dù dự án gặp khó khăn như khan hiếm vật liệu, vướng mặt bằng tại một số vị trí, nhưng nhờ áp dụng một số giải pháp kỹ thuật, nhất là giải pháp xử lý nền đất yếu để đảm bảo chất lượng công trình, các nhà thầu đã quyết tâm thi công hoàn thành vượt tiến độ yêu cầu.
Được biết, tháng 6/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình gửi Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng vốn dự án thành phần 1A từ 6.955,65 tỷ đồng thành 9.268,41 tỷ đồng. Trong đó cơ cấu vốn sẽ điều chỉnh tăng vốn vay ODA từ 190,77 triệu USD (khoảng 4.175,9 tỷ đồng) thành 263,55 triệu USD (tương đương khoảng 6.209,65 tỷ đồng).
Việc tăng tổng mức đầu tư để xây thêm một cầu Nhơn Trạch tương tự cây cầu đang được thi công để mở rộng tuyến. Đồng thời bổ sung xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí không dừng (ETC), trạm kiểm tra tải trọng xe và một số giải pháp kỹ thuật...
Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án thành phần 1A được phê duyệt đầu tư từ năm 2016. Do chưa xác định được thời gian đầu tư các đoạn tuyến còn lại của đường Vành đai 3 TP.HCM nên dự án chưa đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc. Còn hiện nay dự án Vành đai 3 TP.HCM dài 76km, khởi công từ tháng 6/2023 được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phân kỳ với quy mô 4 làn xe và đường song hành (phân tách làn xe cơ giới và làn xe hỗn hợp), vận tốc thiết kế 100km/h.
Bởi vậy chưa có sự đồng bộ về quy mô, vận tốc thiết kế, tổ chức khai thác giữa dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và dự án thành phần 1A. Để bảo đảm khả năng khai thác đồng bộ đoạn tuyến trên đường Vành đai 3 TP.HCM theo tiêu chuẩn đường cao tốc, việc nghiên cứu phương án điều chỉnh thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là cần thiết và cần sớm được triển khai.
Theo nhận định của các chuyên gia, đường Vành đai 3 là tuyến giao thông liên vùng, điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành... Đồng thời khép kín Vành đai 3 sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khi toàn tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm TP.HCM, giải quyết tình trạng ùn tắc, tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay quốc tế Long Thành.