Toàn cảnh đoạn đường 600m 3 năm chưa hoàn thành chia cắt 3 siêu đô thị đắt đỏ bậc nhất Hà Nội
Sau 8 năm được phê duyệt và 3 năm xây dựng, tuyến đường 600m vẫn dang dở, gây ùn tắc, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân.
Đoạn Vành đai 2,5 kết nối từ khu đô thị Ciputra đến các khu đô thị Ngoại giao đoàn và Tây Hồ Tây được HĐND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 13/1/2016, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.456 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Dự án có điểm đầu tuyến giao với đường Cầu Giấy, điểm cuối tuyến giao với đường quy hoạch 50m tại Khu đô thị mới Dịch Vọng. Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 420m, mặt cắt ngang rộng 50m.
Đoạn đường chưa hoàn thành. Ảnh: Ngọc Đẹp
Sau 3 năm xây dựng, đoạn Vành đai 2,5 nối Khu đô thị Ciputra - Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn - Khu đô thị Tây Hồ Tây vẫn chưa thể thông khiến 3 dự án này chưa thể kết nối với nhau.
Hiện đang có hàng chục nhà dân trong các hẻm của ngõ 126 Xuân Đỉnh chưa giải phóng mặt bằng. Khu vực này là một nút thắt khiến đoạn Vành đai 2,5 nối khu đô thị Ciputra - Tây Hồ Tây chưa thể thông.
Đoạn đường đi qua nhiều chung cư cao cấp. Ảnh: Ngọc Đẹp
Ciputra (Khu đô thị mới Nam Thăng Long) là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam tính đến năm 2007. Dự án này do Tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD. Khu đô thị này có diện tích hơn 300ha và được triển khai trong ba giai đoạn.
Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, bắt đầu được triển khai từ năm 2001. Dự án có diện tích hơn 62,8ha, với quy mô dân số khoảng 10.000 người. Trong đó, hơn 20 ha (1/3 diện tích) được dành để xây dựng trụ sở các sứ quán, cơ quan đại diện và tổ chức quốc tế.
Dự án còn vướng mắc giải phóng mặt bằng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake), do Công ty TNHH Phát triển T.H.T làm chủ đầu tư, được quy hoạch trên diện tích 186ha với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Khu đô thị này nằm trong trung tâm hành chính mới của Thủ đô, được chính phủ lựa chọn để đặt trụ sở các bộ, ban, ngành, khu Ngoại giao đoàn và các công trình văn hóa quốc gia.
Đoạn tuyến qua chung cư 789 cũng vẫn chưa giải phóng mặt bằng nhà tạm, người dân vẫn phải di chuyển qua các nhà tạm và chung cư 789 đế ra đường Xuân Đỉnh. Người dân vẫn đang tận dụng đoạn đường này để họp chợ.
Đoạn qua chung cư 789 Xuân Đỉnh, người dân phải đi vòng đến gần chung cư để đi qua. Ảnh; Ngọc Đẹp
Theo phóng viên báo Tiền Phong, một số khu vực được giải phóng mặt bằng nay đã biến thành những nơi tập kết phế liệu xây dựng, rác thải cồng kềnh... ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống trong khu vực quanh dự án.
Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ tạo một trục thông suốt từ Phú Thượng, Tây Hồ đến Cầu Giấy. Ngoài ra, đoạn tuyến từ Cầu Giấy đến Khu đô thị mới Dịch Vọng cũng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND quận Cầu Giấy đã thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án, ban hành thông báo thu hồi đất đến từng tổ chức, hộ gia đình; tổ chức họp dân, công khai dự án, cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án.