Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020?

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý III/2020 của 25 ngân hàng (có công bố thông tin nợ xấu), tổng số nợ xấu các ngân hàng đến thời điểm 30/9 đã tăng 30,5% so ...

Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020? - Ảnh 1

BIDV tiếp tục là “quán quân” trong danh sách nợ xấu trong năm 2020

Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III/2020 của các ngân hàng, có tới 14/16 ngân hàng thương mại (NHTM) ghi nhận nợ xấu có mức tăng trung bình 30% so với thời điểm đầu năm cho thấy một thực tế là những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang lan mạnh sang hoạt động của các ngân hàng.

Cụ thể, dẫn đầu danh sách đang là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV. Theo BCTC hợp nhất quý III/2020 mà BIDV công bố. Ngân hàng này ghi nhận khoản nợ xấu lên đến 22.526 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước (19.496 tỷ đồng).

Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020? - Ảnh 2

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020 của BIDV.

Đứng vị trí thứ 2 trong danh sách này là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank với tổng nợ xấu theo BCTC hợp nhất quý III/2020 là 18.048 tỷ đồng tăng gần 67% so với cuối năm trước (10.813 tỷ đồng).

Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020? - Ảnh 3

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020 của VietinBank

Đứng sau BIDV và Vietinbank trong danh sách này là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank với tổng nợ xấu lên đến 10.147 tỷ đồng trong khi cuối năm ngoái là 8.797 tỷ đồng (tăng 14,8%).

Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020? - Ảnh 4

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020 của VPBank

Vị trí cuối cùng trong “top 4” gọi tên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank với khoản nợ xấu theo BCTC hợp nhất được công bố là 7.885 tỷ đồng (tăng 36% so với hồi đầu năm là 5.804 tỷ đồng).

Top 4 “ông lớn” ngân hàng nào có nợ xấu lớn nhất năm 2020? - Ảnh 5

Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2020 của Vietcombank

Xếp sau BIDV, Vietinbank, VPBank và Vietcombank lần lượt là các ngân hàng có nợ xấu lớn trong năm 2020: SHB (7.208 tỷ đồng), Sacombank (6.837 tỷ đồng), MBBank (4.034 tỷ đồng), VIBBank (3.185 tỷ đồng), HDBank (3.012 tỷ đồng) và LienVietPostBank (2.611 tỷ đồng).

Trước thực trạng nợ xấu tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh, bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết “Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế. Theo đó, khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn – đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng”

Cũng theo lãnh đạo NHNN, một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/ dư nợ phát sinh cũng tăng lên. Đáng chú ý là trong thời gian tới, nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, thương mại quốc tế và thương mại dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.

Bà Hồng cho hay, để kiểm soát nợ xấu, NHNN giao cho các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo, phân tích và đề ra biện pháp ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các tổ chức tín dụng.

Một vấn đề gây nhiều lo ngại là thời gian qua, thực hiện theo các nội dung trong Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại đồng loạt triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân.

Chỉ tính đến giữa tháng 9.2020, hệ thống ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỉ đồng. Do đó, ngoài những khó khăn chung do tác động của dịch bệnh COVID-19, việc Thông tư 01 sẽ có thời điểm hết hạn cũng gây nhiều lo lắng về việc nợ xấu sẽ có mức tăng mạnh khi doanh nghiệp và người dân không còn được cơ cấu lại nợ.

Uyển Nhi

Theo Kinh doanh và Phát triển