Top cổ phiếu tăng giá: HVN tăng gần 300%, bất ngờ mã 'vô địch' tăng 600%
Trong xu hướng uptrend của thị trường chung 6 tháng đầu năm, nhiều cổ phiếu đã tạo ra mức tăng bằng lần. Đáng chú ý, sóng cổ phiếu đang nổi lên tại nhóm doanh nghiệp có gốc nhà nước.
Kết thúc tháng 6, thị trường chứng khoán đã để lại nhiều cảm xúc lẫn lộn với đà tăng vượt 1.300 điểm của VN-Index vào ngày 12/6. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, áp lực bán bất ngờ gia tăng đã đẩy VN-Index trượt về mốc 1.245,32 điểm. So với mức 1.261 điểm ghi nhận phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, VN-Index đã giảm 15,68 điểm, tương đương 1,3%.
Mặc dù giảm điểm trong 2 tuần trở lại đây nhưng thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng trong nửa đầu năm 2024. Đà tăng này được hỗ trợ bởi nền lãi suất thấp, dẫn tới thanh khoản giao dịch trung bình mỗi phiên đều ở ngưỡng cao, đỉnh điểm lên tới hơn 35.000 tỷ đồng.
Với sự dòng tiền lớn liên tục luân chuyển, nhiều cổ phiếu đã để lại dấu ấn với đà tăng bằng lần trong nửa đầu năm 2024. Trên cả 3 sàn, không chỉ cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá, nhóm penny cũng tạo điểm nhấn, có mã ghi nhận đà tăng lên tới hơn 600%.
HVN bay cao trên sàn HoSE
Trên sàn HoSE, với đà tăng hơn 291% trong nửa đầu năm, HVN là cổ phiếu nổi bật nhất nhóm. Sự thăng hoa của HVN diễn ra trong bối cảnh ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là đà tăng của giá vé máy bay.
Sau hơn nửa năm miệt mài “sải cánh", cổ phiếu HVN hiện đang chững nhịp, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu “hạ độ cao”. Đà tăng giá gần 3 lần đã đưa vốn hóa của Vietnam Airlines vượt ngưỡng 73.500 tỷ đồng, trở thành một trong những doanh nghiệp trị giá tỷ USD tại Việt Nam.
Xếp ngay sau HVN, VFG là cổ phiếu tăng mạnh thứ hai với biên độ gần 126%. Sóng tăng gấp 2 lần của cổ phiếu VFG đã đưa vốn hóa của Công ty CP Khử trùng Việt Nam vượt ngưỡng 3.200 tỷ đồng. Với lượng lớn cổ phần nằm trong tay “cá mập”, cổ phiếu VFG không xuất hiện nhịp điều chỉnh đáng kể nào trong nửa năm qua.
Xếp vị trí thứ 3 là cổ phiếu PAC của Công ty CP Pin Ắc quy miền Nam với đà tăng trên 108%. Đà tăng giá của cổ phiếu PAC đã đưa vốn hóa của Pin Ắc quy miền Nam vượt 2.370 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu, với hơn 51% tỷ lệ nắm giữ, khối nhà nước đang là cổ đông lớn tại Pin Ắc quy miền Nam. Với tỷ lệ sở hữu cao nằm trong tay “cá mập”, thanh khoản giao dịch trung bình một phiên của PAC ở ngưỡng tương đối thấp, dưới ngưỡng 100.00 cổ phiếu/phiên. Hiện tại, PAC đang cho tín hiệu tạo đỉnh tại vùng giá 57.000 đồng.
Tương tự PAC, với lượng lớn sở hữu thuộc nhà nước, cổ phiếu D2D đã tạo ra đà tăng lên đến gần 93% trong nửa năm qua. Với đà tăng gần 93%, D2D đã trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh thứ 4 trên sàn HOSE. Đà bứt phá của D2D đã đưa vốn hóa của Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 đã vượt 1.472 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu D2D đang có phần chậm lại tại quanh mức giá 48.500 đồng.
Ngoài nhóm vốn hóa lớn, HTL - một mã cổ phiếu penny cũng để lại ấn tượng với đà tăng trên 82%, qua đó xếp vị trí thứ 5. Với nhịp tăng trần trong vài phiên gần đây, vốn hóa của Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long đã vượt 245 tỷ đồng. Mặc dù tạo ra đà tăng tích cực nhưng thanh khoản trung bình của cổ phiếu này chỉ ở mức “nhỏ giọt”, dưới 5.000 đơn vị/phiên.
Các vị trí còn lại trong nhóm 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE nửa đầu năm lần lượt thuộc về các cổ phiếu LPB (+78,48%), ITD (+77,73%), SMC (+76,21%), NTL (+73,31%), CSV (+68,5%).
Trên sàn HNX, các mã penny hiện đang chiếm ưu thế trong top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất 6 tháng đầu năm. Với đà tăng 162,67%, MCO hiện là cổ phiếu penny tăng mạnh nhất sàn HNX. Đà tăng 162,67% trong nửa năm qua đã đưa vốn hóa của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam vượt 80 tỷ đồng.
Sau MCO, 2 mã penny khác là BED và TXM cũng để lại điểm nhấn với đà tăng tương ứng là 153,86% và 142,22%. Theo đó, vốn hóa của Công ty CP Sách và Thiết bị Trường học Đà Nẵng và Công ty CP VICEM Thạch cao Xi măng lần lượt đạt 92,4 và 76,3 tỷ đồng. ‘
Xếp vị trí thứ 4 và thứ 5, hai cổ phiếu TFC và TMB ghi nhận mức tăng tương ứng là 116,25% và 109,78%. Đáng chú ý, thanh khoản của 2 cổ phiếu trên tương đối thấp, ước đạt 10.000 đơn vị/ngày.
Bên cạnh đó, các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX lần lược thuộc về các cổ phiếu KSQ (+89,47%), TVC (+76,67%), VC6 (+73,04%), PIC (+68,92%), PTD (+64,86%).
Nhóm DN gốc nhà nước chiếm ưu thế trên sàn UPCoM
Trên sàn UPCoM, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp gốc nhà nước đồng loạt tạo ra đà tăng bằng lần và là động lực đưa UPCoM-Index liên tục tăng cao trong nửa đầu năm nay.
Tính tới ngày 28/6, cổ phiếu không thanh khoản HFX là mã tích cực nhất với đà tăng hơn 600%, qua đó đưa vốn hóa của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Thanh Hà vượt ngưỡng 15 tỷ đồng. Mặc dù tăng mạnh, tuy nhiên cổ phiếu này lại không ghi nhận lượt mua/bán nào trong nhiều tháng trở lại đây.
Sau HFX, CID xếp vị trí thứ hai với đà tăng 377,77%, qua đó đưa vốn hóa Công ty CP Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng đạt 51,9 tỷ đồng. Mặc dù tăng mạnh trong 6 tháng đầu đầu năm, tuy nhiên thanh khoản của mã chỉ đạt vài nghìn đơn vị trên một phiên.
Hưởng lợi xu hướng công nghệ, cổ phiếu VGI xếp vị trí thứ 3 với đà tăng trên 303%. Với đà tăng trưởng thần tốc, vốn hóa của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel đã vượt 314.425 tỷ đồng.
Xếp ở vị trí thứ 4 và thứ 5 là 2 penny E29 và PIV với đà tăng lần lượt là 267,44% và 208,33%. Với nhịp tăng trên 200%, vốn hóa của E29 và PIV tương ứng đạt 79 tỷ đồng và 64,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn UPCoM lần lược thuộc về các cổ phiếu APP (+206,52%), GGG (+205,26%). VLG (+202,70%), SAC (+194,44%), MVN (+183,78%).