TP. HCM: Cải cách thể chế - Tiền đề tăng trưởng
Với vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. HCM cần có những bước đi như thế nào về cải cách thể chế và các giải pháp trọng yếu để tạo động lực, duy trì phát triển bền vững trong thời gian tới? Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân về vấn đề này.
- Theo báo cáo của TP. HCM, GRDP đạt 9,03% năm qua được xem là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên cũng dự báo tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm 2022. Ông có nhận xét gì về những tồn tại của thành phố 2022 và dự báo tăng trưởng năm 2023?
TS Lê Bá Chí Nhân: Sau khi kiểm soát dịch Covid-19 vào cuối 2021, theo kế hoạch đã đề ra, TP. HCM đặt mục tiêu “lấy lại những gì đã mất” trong năm 2022, tăng tốc phát triển để bứt phá vào 2025. Tuy nhiên trước những tình huống phát sinh từ bên ngoài và nội tại của thành phố, đặt vấn đề 2023 tăng tốc là khá khó khăn, mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8% là một thách thức.
Năm 2022, thành phố đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư nhưng thực tế công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp vẫn là điểm nghẽn lớn. Cải cách thể chế năm nào cũng được đặt ra nhưng sự chuyển biến vẫn không rõ rệt, bởi do vấn đề né tránh trách nhiệm trong quá trình giải quyết công việc. Hậu quả là chính người dân, doanh nghiệp đã lỡ cơ hội khi các thủ tục bị vướng mắc, trễ hẹn. Theo báo cáo của Sở TN&MT thì năm vừa qua có hơn 500.000 hồ sơ đất đai được giải quyết, nhưng có tới 14.000 hồ sơ trễ hẹn, tỷ lệ 2,7%. Riêng thành phố Thủ Đức lên tới 6%.
Mặt khác, những vấn đề đã được truyền thông lên tiếng nhiều như tăng trưởng quý IV/2022 chững lại, các vụ việc liên quan đến bất động sản, tài chính... đã tác động tiêu cực đến một số hoạt động kinh tế của thành phố. Tâm lý quan sát, chờ đợi ảnh hưởng đến đà tăng trưởng chung.
Năm 2023 nếu các chính sách vĩ mô thuận lợi, TP. HCM sẽ có điều kiện hưởng lợi nhanh hơn các địa phương khác, tăng trưởng sẽ ổn định và phát triển. Ngược lại, nếu không thuận lợi cũng chịu tác động nhiều hơn.
- Theo ông những giải pháp nào TP. HCM cần thực hiện để có thể đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì phát triển bền vững trong thời gian tới?
Nội dung Nghị quyết 01 được Chính phủ ban hành vừa qua đã nêu rất rõ yếu tố “Đồng bộ, thống nhất và quyết tâm... là giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn”. Như vậy, cần ưu tiên giải quyết là cải cách thể chế, đó là tiền đề của sự tăng trưởng.
Rõ ràng là sau đại dịch Covid - 19 đến nay, thành phố đã triển kế hoạch này nhưng hiệu quả ra sao vẫn chưa có đánh giá nào cụ thể. Trong khi thực tế diễn ra là doanh nghiệp vẫn chịu cảnh “lòng vòng” thủ tục do tồn tại chồng chéo các quy định, thì cần có những hướng dẫn cụ thể, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu các quy định có độ vênh chưa được điều chỉnh thì kịp thời rà soát, hướng dẫn theo văn bản có lợi nhất, có thể lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia… để tháo gỡ. Phức tạp hơn có thể kiến nghị Thường vụ Quốc hội để được hướng dẫn cụ thể ngay, đồng thời phát huy vai trò của cơ quan làm chính sách. Như vậy sẽ giải quyết tâm lý sợ sai của cán bộ, mới cải thiện được môi trường kinh doanh hiện nay.
Ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm lãi suất, gói vay ưu đãi… nhưng thủ tục soát xét vẫn còn nhiêu khê. Chính sách tài khóa năm 2023 hiện chưa rõ ràng, chẳng hạn việc giảm 2% thuế VAT năm 2022 hiện không còn, đã áp dụng lại thuế suất 10%. Điều này thật sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu khi phải giảm lợi nhuận, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nên chăng áp dụng lại chính sách này cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đóng góp chủ lực cho ngân sách đã dần lấy lại sự hồi phục sau đại dịch.
Cần quy hoạch lại chất lượng nguồn nhân lực của thành phố khi mục tiêu là đô thị thông minh. Giải pháp là tăng cường đào tạo chuyên sâu, ưu đãi lao động chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới tái cơ cấu lại nguồn nhân lực… Hiện hạ tầng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang được chú trọng, khả năng sẽ có giao thông đồng bộ và thuận tiện trong tương lai gần. Bởi vậy, có thể nghiên cứu phương án hạn chế tập trung lao động quá đông ở đô thị gây áp lực lớn cho hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn đầu tư tại khu vực nông thôn, tận dụng nguồn lao động tại chỗ?
Mặt khác, TP. HCM giải ngân vốn đầu tư công 2022 khoảng 25.490 tỷ đồng, đạt 68% so với chỉ tiêu được giao là 95% là rất thấp! Vốn công năm 2023 đã được giao gần 71.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước. Bởi vậy, thành phố phải có kế hoạch cụ thể triển khai ngay kèm các hình thức chế tài nếu chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ giải ngân. Ngoài ra, cần có chính sách cụ thể kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp SME, thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, xúc tiến đầu tư trực tiếp, tháo gỡ một số khó khăn vẫn còn tồn tại cho doanh nghiệp FDI…
- Tại TP. HCM, ngành địa ốc có vai trò to lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vừa qua hoạt động kinh doanh trên thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp điêu đứng vì ách tắc nguồn vốn. Lĩnh vực bất động sản thành phố năm 2023 sẽ như thế nào, thưa ông?
Giải quyết bài toán khó cho thị trường bất động sản cả nước nói chung hay TP. HCM nói riêng đầu tiên chính là giải quyết bài toán về cải cách thể chế, khi thống kê cho thấy vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% dự án bất động sản. Còn đối với doanh nghiệp, việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là cơ cấu tài chính - sản phẩm là việc làm cần chú trọng nhất năm 2023.
Do lợi nhuận nhiều, đa số doanh nghiệp bất động sản vừa qua đã tập trung rất nhiều vào phân khúc cao cấp. Thực tế, người mua sản phẩm này đa phần có điều kiện tài chính, mua thêm nhà chỉ phục vụ đầu cơ và lướt sóng, làm lệch pha cung cầu thị trường khi nhà ở vừa túi tiền thì không có.
Mặt khác, nguồn vốn lớn cho bất động sản vừa qua đều dựa tín dụng. Gần đây lại được dễ dàng huy động cổ phiếu, trái phiếu ba không. Hoặc huy động thông qua các hình thức như: góp vốn, hợp tác, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai… khi dự án chỉ có quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng làm thị trường bất động sản phát triển không bền vững.
Vừa qua, NHNN đã có phản hồi về vốn tín dụng, cụ thể là kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn… để đảm bảo an toàn hệ thống. Cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát chặt phát hành trái phiếu bất động sản để cấu trúc lại thị trường. Phát hành trái phiếu đúng theo dự án đã có giấy phép thì nên phát huy, để người mua hiểu rõ mua trái phiếu làm gì? Làm như thế nào? Và sử dụng dòng tiền này ra sao? Còn không “tù mù” thông tin sẽ dẫn đến vỡ nợ, người mua trái phiếu sẽ mất trắng, kênh đầu tư trái phiếu này sẽ nguy hiểm nhất, khi đầu tư mà không biết tiền mình như thế nào. Vốn cho bất động sản là rất lớn, do đó kiểm soát chặt dòng tiền vào thị trường này sẽ tránh những rủi ro cho thị trường tài chính trong năm 2023.