Không để kinh tế lao dốc, doanh nghiệp khốn đốn, phá sản
Đóng góp tham luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, sáng 17/2, Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thực thi chính sách tín dụng thắt chặt nhưng “Không thể để kinh tế lao dốc, doanh nghiệp khốn đốn phá sản”.
Theo Hiệp Hội BĐS Việt Nam, số lượng nguồn cung trên thị trường BĐS đang sụt giảm mạnh. Năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương hơn 20% so với năm 2018. Quý IV năm 2022, nguồn cung sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm.
Cùng với đó, tỷ lệ hấp thụ cả năm 2022 của thị trường BĐS đạt khoảng 39%. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.
Sơ bộ tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.
Doanh nghiệp BĐS đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Dự án BĐS đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, có giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ (tương đương khoảng 30 tỷ USD, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội).
Về doanh nghiệp BĐS, số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Từ quý IV/2022, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới quá ít.
“Các doanh nghiệp BĐS còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)”, Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh.
Tháng 1/2023, doanh nghiệp môi giới chật vật, thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Số lượng môi giới phải dừng hoạt động lên đến hàng chục vạn người (chiếm 80% lực lượng lao động trên lĩnh vực này).
Tình trạng này khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng gián tiếp. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan đến thị trường bất động sản phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng chậm thanh toán của chủ đầu.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến doanh nghiệp BĐS khó triển khai dự án, làm nguồn cung BĐS sụt giảm nghiêm trọng, cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp.
Cùng với đó là “tắc” nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao do chi phí tiếp cận tài chính tăng, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng... khiến nhiều doanh nghiệp BĐS “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án.
Thị trường BĐS hiện đang thiếu chính sách để điều tiết thị trường, định hướng tiêu dùng, hạn chế đầu cơ. Không có chính sách để hạn chế sản phẩm, dự án cao cấp, ngược lại cũng không có chính sách phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.
Qua đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị với Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường này. Đẩy nhanh quá trình sửa luật để ổn định phát triển dài hạn. Tổ công tác của Chính phủ về giải quyết những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản sớm trình Chính phủ ban hành các nghị định mới để xử lý vướng mắc của những nghị định cũ đang tạo rào cản phát triển của thị trường.
Hiệp hội Chính phủ có chính sách mạnh hơn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo sản phẩm phù hợp thị trường, kích thích giao dịch, khởi động guồng quay sản xuất kinh doanh cho cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách khuyến khích, kích thích phát triển nhà thương mại có mức giá phù hợp. Vừa kích thích sản xuất kinh doanh, vừa tạo ra nguồn thu cho ngân sách.
“Về chính sách nguồn vốn cho phát triển thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Phải thực thi chính sách tín dụng thắt chặt, để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Nhưng cũng không thể để kinh tế lao dốc, doanh nghiệp khốn đốn phá sản, người dân đói kém”, Hiệp hội BĐS Việt Nam đề xuất.
Cụ thể, hiệp hội mong muốn Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nhanh việc bơm vốn cho nền kinh tế. Trong đó có lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp.
Đối với các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, ngân hàng nên giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID-19. Trường hợp doanh nghiệp bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại. Không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ.
Hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Để ngân hàng thương mại thực hiện được điều này, rất cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất.
Ngoài ra, hỗ trợ chính sách cho vay đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Xem xét cấp vốn để phát triển các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng và sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65/2022/NĐ-CP để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả.
“Các doanh nghiệp BĐS mong muốn chính sách phát triển các kênh dẫn vốn mới như quỹ đầu tư BĐS (REIT), chứng khoán hóa BĐS, quỹ nhà ở. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ để người dân có nhu cầu vay mua nhà để ở dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn. Đặc biệt là nhóm đối tượng thu nhập thấp, công nhân, người lao động”, Hiệp Hội BĐS Việt Nam kiến nghị.