TP.HCM: 'Siêu' dự án chống ngập phải xong trước 30/4/2025
Sau 6 năm trễ hẹn, “Dự án giải quyết ngập do triều cường tại khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu được kỳ vọng vận hành năm 2025
Theo đại diện UBND TP.HCM, "Dự án giải quyết ngập do triều cường tại khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" vừa được UBND TP.HCM đưa vào danh mục các dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường được phân công phụ trách dự án với mục tiêu hoàn thành dịp 30/4/2025.
Dự án này có mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng (giai đoạn I), được khởi công giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2018. Mục tiêu Dự án sau khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều cường cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân TP.HCM.
Tuy nhiên, dù công trình đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc, nhưng liên tục bị tạm dừng thi công nên sau nhiều lần gia hạn đến nay dự án vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành cuối cùng.
Theo Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư Dự án), quá trình thi công Dự án đã bị tạm dừng ba lần, lần đầu tiên kéo dài 10 tháng, lần thứ hai là 8 tháng và lần gần nhất từ ngày 15/11/2020 đến nay. Nguyên nhân chính do vướng mắc liên quan đến các thủ tục, trong đó tổng mức đầu tư của dự án vẫn chưa được điều chỉnh.
Nhà đầu tư cho rằng, tổng mức đầu tư dự kiến sẽ tăng từ 9.976 tỷ đồng lên 14.398 tỷ đồng. Chỉ tính riêng lãi vay, đến ngày 26.7.2024 đã lên đến 2.369 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày lãi vay phát sinh hơn 1,7 tỷ đồng.
Được biết, từ đầu tháng 5/2024, Ngân hàng BIDV (đơn vị trung gian tiếp nhận vốn tái cấp từ NHNN để tài trợ cho Nhà đầu tư Dự án) thông báo khoản vay 7.095 tỷ đồng của nhà đầu tư đã quá hạn trả nợ gốc là 6.008 tỷ đồng và nợ lãi là 1.715 tỷ đồng. Ngoài ra, vấn đề thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư cũng chưa được UBND TP.HCM thực hiện do chưa thống nhất về tỉ lệ thanh toán bằng quỹ đất.
Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ các vướng mắc cho dự án. Theo đó, đề xuất ba phương án, đáng chú ý phương án ủy thác ngân sách để nhà đầu tư tiếp tục vay và hoàn thành dự án được đánh giá là khả thi nhất.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, thành phố đã báo cáo với Tổ công tác Chính phủ về các khó khăn trong việc thanh toán hợp đồng BT, cũng như đề xuất giải pháp ban hành Nghị quyết mới. Điều này nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế thanh toán, huy động vốn để hoàn thành công trình, điều chỉnh tổng mức đầu tư... Nếu các khó khăn được tháo gỡ, nhà đầu tư cam kết sẽ thi công hoàn thành dự án trong vòng 6 đến 8 tháng kể từ ngày được giải ngân.