TP.HCM tiếp nhận công trình cầu đi bộ 1.000 tỷ từ doanh nghiệp
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn hình lá dừa nước, nối quận 1 và TP Thủ Đức sẽ khởi công đầu năm 2025 với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng do Nutifood tài trợ.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn hình lá dừa nước, nối quận 1 và TP Thủ Đức sẽ khởi công đầu năm 2025 với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng do Nutifood tài trợ.
Ngày 4/12, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ về việc xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Công ty Nutifood cam kết thực hiện đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ đảm bảo các quy định và theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công trình triển khai phù hợp với phương án kiến trúc đã được thành phố phê duyệt vào tháng 10. Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ do Công ty Nutifood chi trả. Tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
Trong vòng 7 ngày tới, Công ty Nutifood sẽ trình tiến độ tổng thể triển khai dự án để Sở GTVT TP thống nhất làm cơ sở triển khai dự án. Trong vòng 60 ngày, công ty trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để Sở xem xét, trình cấp thẩm quyền chấp thuận.
Theo đó, Công ty Nutifood có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết về tài chính, nhân sự, năng lực để tổ chức đầu tư xây dựng cầu đi bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định. Doanh nghiệp tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với loại, cấp công trình được cấp thẩm quyền phê duyệt...
Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp các sở ban ngành hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty trong quá trình triển khai dự án. Sau khi hoàn thành, cầu đi bộ được khai thác sử dụng cho mục đích phục vụ cộng đồng, lợi ích công cộng, được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, ông Trần Quang Lâm cho biết có lẽ đây là lần đầu tiên trên cả nước có trường hợp cơ quan nhà nước tiếp nhận một công trình có quy mô và giá trị lớn như vậy từ doanh nghiệp. Trước đây, có nhiều địa phương được doanh nghiệp tài trợ 1 số công trình hạ tầng lớn nhưng giá trị nhỏ hơn hoặc có gắn với các công trình đô thị đi kèm. Dự án cầu đi bộ do Nutifood tài trợ cho TP.HCM mang tính chất cầu dân sinh, có ý nghĩa cộng đồng cao và là điểm nhấn, gắn với di tích lịch sử của thành phố, một trong những biểu tượng mới của TP.HCM trong tương lai.
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết "Đây đầu tiên chúng ta tiếp nhận tài trợ một công trình có quy mô, giá trị lớn nhất cả nước. Công trình nằm ở vị trí quan trọng sẽ là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc, biểu tượng mới của TP. Mặc dù là cầu đi bộ nhưng thiết kế, quy mô, thiết kế rất đặc biệt khác với các công trình đi bộ thông thường. Sau khi tiếp nhận ý tưởng, tâm huyết của nhà tài trợ, Sở Giao thông vận tải TP đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, thống nhất về các bước, đề xuất TP tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án".
Ông Trần Bảo Minh, phó phủ tịch Nutifood cảm ơn người dân và lãnh đạo TP đã tạo điều kiện cho Nutifood được làm được cây cầu này "Là một doanh nghiệp khởi nghiệp và lớn mạnh từ mảnh đất Sài Gòn, chính điều đó đã hun đúc tình yêu của chúng tôi với nơi đây và nung nấu ước mơ được làm gì đó để mảnh đất này ngày cảng đẹp hơn, đáng sống hơn. Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với những giá trị về môi trường, cảnh quan, giá trị về kinh tế mang lại cho người dân, cho thành phố đã biến tâm nguyện của chúng tôi thành hiện thực".
Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói lãnh đạo TP các thời kỳ đều xác định phát huy tất cả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng để TP có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh các nguồn lực ngân sách, sự đóng góp từ nguồn lực xã hội cũng rất quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, cầu đi bộ nằm giữa vị trí quan trọng - sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP.HCM. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện trọng đại và là điểm thu hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Do vậy, việc xây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn rất có ý nghĩa, mang đến nhiều giá trị to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy, đưa Thủ Thiêm thành trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ mà còn tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch, giúp người dân và du khách phương xa có thêm một địa điểm đẹp mắt để đến đi dạo, thư giãn, vui chơi, thưởng thức vẻ đẹp của thành phố.
Ông Mãi đề nghị quá trình thi công cầu đi bộ sắp tới cần làm khẩn trương nhưng chặt chẽ. Làm sao thời gian khởi công đảm bảo chậm nhất 30/4/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm khánh thành đưa vào sử dụng.
"Đây là công trình đóng góp sự phát triển TP, để lại đời sau. Lãnh đạo TP giao trách nhiệm Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục cùng nhà tài trợ, các sở, đơn vị triển khai, chủ động cùng nhà tài trợ hoàn thành. Quá trình triển khai có phát sinh phải kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết để đảm bảo chất lượng, tiến độ", ông Mãi nói.