TP.HCM: Tiếp tục triển khai dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng theo cơ chế đặc thù
Đối với dự án ngăn triều chống ngập quy mô 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo cho UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù, giải quyết ngập do triều khu vực thành phố.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo của bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM phê duyệt đề xuất Dự án, ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư có những nội dung chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
Đặc biệt là về phương án thanh toán cho nhà đầu tư và thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư Dự án. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của UBND TP.HCM và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị quyết nêu rõ, “dự án quan trọng, cấp bách của Thành phố này đã triển khai thực hiện được trên 90% khối lượng” để đáp ứng “nhu cầu giải quyết tình hình ngập lụt TP.HCM đang rất cấp bách”.
Dựa trên ý kiến của các cơ quan có liên quan và của các đồng chí như ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM về đề nghị khẩn Chính phủ tháo gỡ vướng mắc cho TP.HCM, Chính phủ đã thảo luận, các thành viên Chính phủ đã có ý kiến và bỏ phiếu biểu quyết theo quy định, thống nhất ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của UBND TP.HCM và các Bộ ngành gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng giao UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20 tháng 8 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ và các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư.
Cùng với chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM, chủ đầu tư, các đơn vị thiết kế, thi công, tư vấn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về hiệu quả chống ngập của dự án, an toàn công trình, chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước trong quá trình thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm thực hiện việc thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án theo quy định pháp luật và quy định tại hợp đồng dự án được ký.
Bên cạnh đó, tỉnh này chịu trách nhiệm tổ chức rà soát, trao đổi, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về giá trị dự án, loại bỏ toàn bộ các chi phí bất hợp lý, không đúng quy định. Từ đó, thống nhất giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán hợp đồng và nội dung cần thiết khác làm cơ sở để ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật, không được để thất thoát ngân sách nhà nước.
UBND TP.HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về việc điều chỉnh khoản tái cấp vốn cho vay thực hiện dự án theo đúng quy định trên cơ sở hợp đồng BT, hợp đồng tín dụng đã được các bên điều chỉnh, ký kết và các nội dung cần thiết khác theo quy định.
Khởi công vào giữ năm 2016, dự án do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao) nhằm kiểm soát ngập do thủy triều và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án chống ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, bao gồm các Quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Dự án có quy mô đầu tư 10.000 tỷ đồng và đã đạt tiến độ xây lắp hoàn thành 96% tính tới hết năm 2020.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 11 năm ngoái, dự án này đã phải tạm ngừng thi công do gặp vướng mắc liên quan tới vấn đề ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành, trong khi hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020.