TP.HCM vay để trả nợ, bù đắp bội chi: Chuyện bình thường...

Việc vay nợ trong nền kinh tế thị trường là hết sức bình thường, quan trọng là việc đi vay ấy phải tạo ra sự phát triển, tăng trưởng.

Theo kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2021 vừa được HĐND TP.HCM thông qua, TP.HCM xác định tổng mức vay năm 2021 là 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ về cho vay lại. Trong đó, TP.HCM vay để bù đắp bội chi ngân sách là 14.873 tỷ đồng và trả nợ gốc là 1.153 tỷ đồng.

Trong năm 2021, UBND TP.HCM dự kiến các khoản nợ vay đến hạn thanh toán là 2.577 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1.153 tỷ đồng và phí là 1.424 tỷ đồng. UBND TP xác định nguồn trả nợ gốc được lấy từ nguồn vay mới. Trong trường hợp không vay được hoặc vay thấp hơn mức dự kiến, TP sử dụng nguồn kết dư của ngân sách năm 2019 để trả nợ.

Nguồn trả lãi và phí (1.424 tỷ đồng) được lấy từ việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (757 tỷ đồng); vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài (547 tỷ đồng); và vay trong nước theo quy định pháp luật (120 tỷ đồng).

Bình luận về câu chuyện vay nợ của TP.HCM, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế của các quan hệ tiền tệ và tài chính, ở đó có câu chuyện tín dụng, vay mượn. Cho nên, vay nợ là điều hết sức bình thường, quan trọng là hiệu quả và hợp lý.

TP.HCM vay để trả nợ, bù đắp bội chi: Chuyện bình thường... - Ảnh 1
TP.HCM sẽ vay 16.026 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ cho vay lại để bù đắp bội chi ngân sách và trả nợ gốc.

Nếu TP.HCM vay nợ Chính phủ để giải quyết vấn đề dài hạn, trong khi Nhà nước Trung ương phải lo giải quyết rất nhiều nhiệm vụ kinh tế khác, trong đó có việc hỗ trợ các tỉnh, thành kém khác, thì đó là câu chuyện đáng lo.

"Trong trường hợp thặng dư của TP kém, có xu hướng giảm đi thì việc vay nợ ấy có nguy cơ dẫn đến nợ xấu", PGS Đoàn nói.

Ngược lại, nếu chuyện đi vay của TP.HCM chỉ mang tính chất "giật tạm" nhằm giải quyết những vấn đề thừa-thiếu có tính chất cục bộ, nhất thời rồi hoàn trả và trên hết, chuyện đi vay đó để đầu tư, phát triển thì đó lại là chuyện tốt.

"TP.HCM vay, dùng vào việc bù đắp bội chi ngân sách hay để trả nợ cũ, mà vẫn trả được nợ bình thường và tăng trưởng vẫn dương thì không vấn đề gì", vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Đặt câu chuyện TP.HCM đi vay để trả nợ và bù đắp bội chi ngân sách trong bối cảnh nhiều năm qua TP này xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23%, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng chuyện vay mượn chưa thành vấn đề đòi hỏi phải tăng điều tiết ngân sách cho TP.HCM, thậm chí xét về căn nguyên sự phát triển, lẽ ra TP.HCM phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương.

Minh chứng cho quan điểm của mình, PGS Đoàn cho biết, nguồn lực vốn có, lợi thế của TP.HCM lớn hơn các tỉnh, thành phố khác nên TP.HCM mới tạo ra được  thặng dư lớn. Thặng dự lớn ấy không phải chỉ do nỗ lực của TP.HCM mà do sự phát triển của tổng thể nền kinh tế cũng như các địa phương khác đem lại.

"Xét về địa kinh tế, TP.HCM có lợi thế lớn, có thể nói là "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". TP.HCM là một trung tâm, mà ở đó phân bổ các lợi ích cho nơi khác và cũng thu lợi ích từ nơi khác đến. Nói không ngoa, ĐBSCL và các tỉnh thành quanh TP.HCM đã góp công lớn "nuôi" thành phố này phát triển được như ngày nay, để từ đó TP.HCM có sự đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.

Chẳng hạn, Bình Dương phát triển, kích thích du lịch, nhưng du khách đi Bình Dương phải ghé TP.HCM. Tương tự, khách đi Đà Lạt (Lâm Đồng) ắt ghé TP.HCM, qua đó thúc đẩy du lịch của TP phát triển.

Cho nên, TP.HCM không nên so kè mà quên rằng bao nhiêu lợi thế thành phố được hưởng có đóng góp của các tỉnh, thành khác", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ và khẳng định rằng, nếu tính chi li ra, đáng lẽ TP.HCM phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Theo đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030", TPHCM đề xuất xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại lên 23% giai đoạn 2022 - 2025; 26% giai đoạn 2026 - 2030 (bằng với tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách hai giai đoạn trước liền kề 2011 - 2016; 2007 - 2010) là cần thiết và cấp bách.

Cũng theo đề án, khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% hiện nay lên 23%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Khi tỷ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) chuyển Trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỷ USD.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt