Công khai chi tiêu ngân sách: Khó được như Thụy Điển

Công khai cụ thể chi tiêu ngân sách là yêu cầu tất yếu, song vì nhiều lý do, Việt Nam chưa thể đạt đến tiêu chuẩn công khai minh bạch quốc tế.

Trong một bài viết mới đây trên một tờ báo điện tử, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đã có bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề công khai ngân sách, trong đó đánh giá việc công khai ngân sách của Bộ Tài chính đã có tiến bộ trong những năm qua, song vẫn chỉ có các khoản tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ, là những hạng mục cơ bản. Còn ai chi những khoản gì, cụ thể thế nào thì vẫn chẳng ai hay biết, điều đó khiến người dân khó giám sát.

Bởi vậy, TS Lê Đăng Doanh đề nghị phải công khai chi tiết, cụ thể, có định mức rõ ràng trong các khoản thu-chi, bổ sung các điều khoản cụ thể trong các luật liên quan đến ngân sách.

"Chi ngân sách phải công khai rất rõ ràng, cụ thể đến từng giao dịch như xe công được quy định thế nào, ai được phép sử dụng, sử dụng mức bao nhiêu; hay chi phí tiếp khách, chiêu đãi, giao lưu được chi ở mức bao nhiêu; các cuộc hội họp, chiêu đãi nào ngân sách phải chi, cuộc nào không được phép.

Công khai ngân sách thu chi của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương, tới cấp xã, phường cho dân biết là việc làm đầu tiên để cải tiến sự tiến bộ của ngân sách. Đó cũng là điều chúng ta cần phải làm ngay, làm sớm", TS Lê Đăng Doanh viết.

Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều tán thành quan điểm phải công khai thu chi ngân sách một cách rõ ràng, cụ thể bởi đó là yêu cầu tất yếu, song cũng chỉ ra lý do khiến việc công khai ngân sách ở Việt Nam vẫn còn thua xa so với các tiêu chuẩn công khai minh bạch của quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương làm một so sánh nhỏ cho thấy Việt Nam chưa thể công khai rành rẽ, chi tiết như nhiều quốc gia khác.

Theo đó, ở Mỹ, tổng thống nếu nhận quà tặng, quà biếu từ trên 50 USD là phải khai báo, sau đó, phải được đánh giá, quà đó có vượt quá định mức quy định không. Nếu vượt quá quy định, quà tặng phải nộp về ngân sách hoặc đưa ra đấu giá. Trường hợp muốn có được món quà đó, tổng thống phải tự bỏ tiền cá nhân để mua lại.

Tuy nhiên, lâu nay ở Việt Nam vẫn tồn tại tình trạng "luật khung, luật ống", làm việc trên tinh thần nguyên lý, nguyên tắc là chính dẫn đến các quy định còn chung chung, nhiều điều khoản cho linh hoạt khi thực hiện. Chính vì vậy, việc kiểm soát chi tiêu không hề dễ dàng, thậm chí phải tùy theo tính nết người tiêu tiền ngân sách: người làm oai thì vung tay chi, ra lệnh cho nhân viên phải thực hiện, đến khi kiểm tra phát hiện một vài khoản không phù hợp lại đề nghị thông cảm, đưa ra lý do đối tác quan trọng...

"Việt Nam cần phải có một quá trình nữa mới công khai, minh bạch chi tiêu ngân sách được như nhiều quốc gia khác. Chúng ta mới chỉ xác minh được những khoản chi lớn đúng hay sai, có đúng chính sách không, có đúng mục tiêu ban đầu không... và phải dựa vào kiểm toán - thông qua kiểm tra từng hóa đơn, chứng từ... mới biết. Còn đối với việc giám sát, ngay cả cơ quan giám sát cao nhất cũng chưa đủ để tìm ra từng điểm, dù có nghi ngờ, lo ngại", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Rào cản lớn nhất khiến Việt Nam chưa thể công khai chi tiêu ngân sách cụ thể, minh bạch được nhiều như quốc gia, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, chính là do chính những người nắm giữ vai trò quản lý chưa muốn tự trói mình bằng các quy định cụ thể, muốn rộng đường hoạt động.

"Đơn giản là vì chính những người tiêu tiền ngân sách chưa muốn làm. Ngay quy định cấp nào được đi ô tô giá nào được bàn đi bàn lại trong nhiều năm qua nhưng không phải ai cũng thực hiện. Có người lên chức là mua ô tô mới, trong khi ô tô cũ vẫn đi tốt, cuối cùng thải ra... ", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.

Theo vị chuyên gia, chỉ đến khi nào những người quản lý, tiêu tiền ngân sách biết tiết kiệm từng ly từng tý thì tình trạng trên mới có thể thay đổi. Đồng thời, phải dần dần cụ thể hóa, minh bạch các khoản chi tiêu, không thể chỉ nói chính sách chung chung.

"Phải nói rõ việc này được làm, việc kia không được làm trong luật, không thể để tình trạng tùy ý vận dụng", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng bàn về vấn đề này, một chuyên gia giấu tên cho biết, các số liệu ngân sách của Việt Nam đều được cơ quan có trách nhiệm đăng tải trên website nhưng nhiều khi lại để ở những thư mục khuất khó tìm, có nơi đăng nhưng muốn đọc phải có quyền truy cập, đòi mật khẩu truy cập, có công khai nhưng không thông tin đầy đủ.

Về phần mình, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, chi tiêu ngân sách nhà nước được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, vì thế việc công khai các số liệu là việc phải làm. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng tính minh bạch của ngân sách.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một thực tế, đó là ở Việt Nam khó có thể biết được các khoản chi cụ thể đến từng giao dịch, ai đã chi cái gì, cụ thể ra sao... Chẳng hạn, ở Thụy Điển công bố rất chi tiết về các khoản chi tiêu. Lãnh đạo đi máy bay dân dụng đến họp ở nước ngoài, ở khách sạn nào, bao nhiêu tiền, mời cơm quan chức nước nào, gồm mấy món, hết bao nhiêu tiền... Tất cả đều công khai để người dân giám sát.

"Việt Nam có lẽ còn lâu mới làm được như Thụy Điển. Những khoản chi kiểu như trên ở Việt Nam đều được chi chung vào một số khoản mục mà may ra những người làm trực tiếp mới biết, còn từ người làm trực tiếp lên đến cơ quan giám sát cao nhất là một khoảng cách rất xa.

Ở Việt Nam, việc phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước thường có độ trễ 2 năm, ví dụ năm 2019 mới phê duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, do đó, các số liệu của năm 2018, 2019 chỉ có thể sử dụng số liệu ước tính của Bộ Tài chính khi bộ báo cáo chính thức với Quốc hội hay thông qua Tổng cục Thống kê", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra thực tế và cho rằng việc Việt Nam chưa thể công khai chi tiết, cụ thể chi tiêu ngân sách như Thụy Điển hay nhiều quốc gia khác còn có liên quan điều kiện của nước ta.

"Có những vấn đề lớn đã khó công khai, minh bạch, giờ lại muốn công bố đến "chân tơ kẽ tóc", e rằng còn mất một thời gian dài nữa. Còn bây giờ, vẫn phải thực hiện công bố và sử dụng số liệu chính thức đã được cơ quan quản lý nhà nước thông qua", ông Thịnh nói.

Theo kết quả khảo sát Chỉ số công khai minh bạch ngân sách nhà nước (OBI) và Chỉ số công khai minh bạch ngân sách địa phương (POBI) do Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế OECD và Tổ chức Kiểm toán quốc tế INTOSAI thực hiện từ hơn 10 năm qua cho thấy, mức độ công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam còn thấp.

Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam năm 2006 chỉ đạt 3/100 điểm, năm 2015 đạt 18/100 và năm 2017 đạt 15/100 điểm, giảm 3 điểm so với năm trước và thuộc vào nhóm thứ 5 - Nhóm ít công khai nhất.

Kết quả xếp hạng Chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI 2018 được công bố giữa năm nay, trong số 63 tỉnh được khảo sát, chỉ 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ, 27 tỉnh công khai tương đối đầy đủ, 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ và 9 tỉnh công khai ít. Vẫn còn khoảng 50% tỉnh thành cần cải thiện mức độ công khai minh bạch ngân sách tỉnh. Nhóm các tỉnh đứng cuối trong bảng xếp hạng POBI 2018 bao gồm Hà Nội và TP.HCM - hai đầu tàu kinh tế sử dụng ngân sách công nhiều nhất cả nước.

Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/cong-khai-chi-tieu-ngan-sach-kho-duoc-nhu-thuy-dien-3393508/

Tin liên quan