Dùng 2.500 tỷ đồng ngân sách xây cầu Vĩnh Tuy mới vào cuối năm 2019
Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án cầu Vĩnh Tuy mở rộng (cách cầu cũ 2m), sẽ khởi công vào cuối năm nay với số vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ ngân sách.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định Báo cáo nghiên cứu xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3.
Liên quan đến dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội vừa thông qua chủ trương chuyển dự án này từ hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) sang đầu tư công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.560 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 1.800 tỷ đồng. Trước đó, nhà đầu tư của dự án này đã rút lui bởi thời điểm này, các dự án đầu tư theo hình thức BT đang phải tạm dừng để chờ nghị định mới của Chính phủ.
Theo báo cáo nghiên cứu của Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy mới có thiết kế tương tự cầu hiện tại với chiều rộng hơn 19 m, 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ. Cầu mới sẽ cách cầu cũ 2m, việc xây dựng dự kiến từ cuối năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Theo quy hoạch và thiết kế, cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8 km, trong đó phần vượt sông dài 3,7 km, đường dẫn hai đầu 1,68 km, tuy nhiên, do thiếu vốn nên năm 2009 Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19m, kinh phí gần 3.600 tỷ đồng. Như vậy, việc xây dựng cầu mới chỉ là hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó.
Đây là cây cầu huyết mạch nằm trên trục vành đai 2, nối trung tâm Thủ đô với quận Long Biên, huyện Gia Lâm và quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Bắc. Sau nhiều năm xây dựng, cây cầu này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn ứ vào những giờ cao điểm.
Như đã biết, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, TP. Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Giai đoạn 1 của dự án khởi công xây dựng ngày 3/2/2005, dự kiến khánh thành tháng 5/2007. Nhưng đến 6/9/2010, cầu Vĩnh Tuy mới chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Chiều dài tuyến chính cầu dài 5.800m, phần vượt sông dài 3.700m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19m, đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai là 38m.
Theo Nhân Hà/Nhà Đàu Tư