Trái chiều bức tranh kinh doanh các 'ông lớn' ngành hàng không
Cùng bối cảnh kinh doanh, nhưng lợi nhuận của Vietjet Air, Vienam Airlines, Bamboo Airways lại diễn biến trái chiều.
Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần một tỷ USD, hoạt động tài chính 'cứu cánh' Vietjet
Sau 2 năm thua lỗ nặng nề vì dịch bệnh, hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines, mã: HVN) ghi nhận doanh thu năm 2021 đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ ròng lên tới 12.966 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với năm 2020.
Kết quả trên đã khiến mức lỗ lũy kế dâng lên hơn 21.970 tỷ đồng (hơn 960 triệu USD), ăn mòn gần hết vốn chủ sở hữu của hãng bay.
Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2021, tổng vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 507 tỷ đồng nhờ đợt phát hành cổ phiếu gần 8.000 tỷ đồng trước đó. Trong khi hồi đầu năm vẫn còn trên mốc 6.110 tỷ đồng, tương đương giảm 91,7%.
Mặc dù vào thời điểm cuối năm 2021 tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.100 tỷ đồng, song không thấm là bao so với khoản nợ phải trả lên hơn 62.590 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngoài nợ đối tác, vay mượn... hãng bay cũng nợ hơn 1.070 tỷ đồng trả cho người lao động.
Đáng nói, tính đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận nợ ngắn hạn hơn 41.200 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 34%. Tài sản ngắn hạn của hãng hàng không này ghi nhận ở mức 11.400 tỷ đồng. Điều này có nghĩa nợ ngắn hạn cao gấp 3,6 lần so với tài sản ngắn hạn.
Về phần mình, cả năm 2021, Vietjet (mã: VJC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% còn 12.998 tỷ đồng và lỗ gộp lên tới 1.953 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Dù vậy, nhờ khoản doanh thu tài chính (3.920 tỷ đồng), hãng hàng không vẫn lãi ròng 100 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Vietjet giảm mạnh từ 3.500 tỷ đồng xuống còn 2.700 tỷ đồng tại cuối năm 2021. Tài sản dài hạn tăng từ 19.800 tỷ đồng lên 24.400 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng vọt từ 198 tỷ đồng lên 3.777 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Ở bên kia bảng cân đối, Vietjet cũng đang dần dịch chuyển từ nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Cuối năm 2021, vay ngắn hạn của Vietjet giảm từ 10.000 tỷ đồng xuống 7.200 tỷ đồng, trong khi vay và trái phiếu phát hành dài hạn tăng từ 1.350 tỷ đồng lên 8.200 tỷ đồng.
Đối với Vietravel, cả năm 2021 vẫn lỗ hơn 256 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần năm 2020 do các hoạt động cốt lõi du lịch, hàng không năm ngoái bị thiệt hại nặng nề trong 9 tháng đầu năm.
Riêng quý 4/2021, doanh thu tài chính của Vietravel tăng đột biến lên 360 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ lãi thanh lý công ty con. Nhờ đó, đại gia ngành du lịch này lãi khoảng 228 tỷ đồng, ngắt mạch thua lỗ 4 quý liền trước đó.
Đối với hãng hàng không Bamboo Airways, tại báo cáo tài chính hợp nhất của FLC, tính đến 31/12/2021, tập đoàn này sở hữu 21,7% cổ phần Bamboo Airways, và chịu khoản lỗ phân bổ 501 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với Bamboo Airways phải gánh chịu khoản lỗ khoảng 2.300 tỷ đồng trong năm ngoái.
Tính đến đầu năm 2021, vốn điều lệ của Bamboo Airways ở mức 7.000 tỷ đồng. Trong đó, FLC góp 3.586,8 tỷ đồng (sở hữu 51,24% VĐL), ông Trịnh Văn Quyết góp 2.802,4 tỷ đồng (sở hữu 40,03% VĐL) và các cổ đông khác góp 610,8 tỷ đồng (sở hữu 8,73% VĐL).
Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2021, Bamboo Airways đã có 4 đợt tăng vốn, lần lượt lên 10.500 tỷ đồng (ngày 5/2), 12.500 tỷ đồng (ngày 13/4), 16.000 tỷ đồng (ngày 26/4) và tăng lên 18.500 tỷ đồng (ngày 9/9).
Theo báo cáo tài chính chưa được kiểm toán năm 2021, tính đến ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 16.760 tỷ đồng, tăng 220% so với số đầu năm.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, tính chung 12 tháng 2021, các hãng hàng không thuộc Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) đứng đầu với tổng số chuyến bay với 59.431 chuyến bay, trong đó, VASCO sụt giảm mạnh nhất 64% so với cùng kỳ. Vietjet Air thực hiện 40.676 chuyến bay trong kỳ, giảm 47,5%; Bamboo Airways với 24.823 chuyến bay, giảm nhẹ 12,7%.
Tính theo số lượng chuyến bay, thị phần hàng không đang được chia lại khi Vienam Airlines có thị phần giảm dần qua từng năm, từ 64,1% năm 2017 xuống 47%, trong khi Vietjet Air giữ vững thị phần khoảng 30% trong nhiều năm và và Bamboo Airways đang dần lấn sân với tỷ trọng chiếm 19,7%.
Có thể thấy, Bamboo Airways đang ngày càng tiến gần hơn với các lớp "đàn anh" dù còn khá non trẻ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của hãng trong những năm gần đây cũng đi kèm với kết quả kinh doanh thuận lợi.
Hàng không Việt Nam chớm phục hồi lại đối mặt thách thức
Sau nửa tháng khôi phục các chính sách nhập cảnh (15/3/2022) thị trường hàng không Việt Nam tấp nập trở lại.
Cục Hàng không cho biết, sau 3 tháng khôi phục bay thường lệ quốc tế (tính từ 1/1/2022), tới nay có 23 hãng hàng không khai thác 67 đường bay kết nối Việt Nam với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện còn 8 nước và vùng lãnh thổ chưa mở lại đường bay với Việt Nam như giai đoạn trước khi có dịch COVID-19. Dự kiến, từ tháng 4 tới, các hãng sẽ khôi phục thêm đường bay kết khách quốc tế tới Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... bên cạnh điểm đến là Hà Nội và TPHCM.
Với thị trường nội địa, hiện các hãng hàng không Việt Nam khai thác từ 55-60 đường bay nội địa. Tổng lượng khách nội địa qua các sân bay trong 3 tháng qua đạt hơn 13 triệu lượt, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Hàng không đánh giá, Nghị quyết 32 của Chính phủ về khôi phục các chính sách nhập cảnh với khách quốc tế như giai đoạn chưa có dịch COVID-19, đã tạo thuận lợi cho hàng không phục hồi.
Thế nhưng hàng không Việt Nam đang đối mặt muôn vàn khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao cùng với chiến sự Nga - Ukarine.
Được biết, các hãng hàng không vừa đồng loạt kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu với nhiên liệu bay về 0%, hoặc giảm 70%; giảm thêm các loại phí, lệ phí sân bay, điều hành bay; triển khai các gói tín dụng ưu đãi với doanh nghiệp hàng không...