Thua lỗ nặng, Vietnam Airline từng bước được 'giải cứu' như thế nào?
Mới đây, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Vietnam Airlines và ALC, qua đó Vietnam Airlines được giảm hơn 1 tỷ USD chi phí và nghĩa vụ thanh toán tàu bay.
Vietnam Airlines được "giải cứu"
Thỏa thuận này được ký kết sau một thời gian dài đàm phán dưới sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ALC sẽ giảm giá trực tiếp tiền thuê tàu bay trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng hiện tại (giá trị khoảng 420 triệu USD) và cắt giảm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê thông qua việc hủy, lùi lịch nhận các tàu bay mới (giá trị hơn 600 triệu USD) cho Vietnam Airlines.
Trước đó, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng nhận được nhiều sự "hỗ trợ". Cụ thể, vào cuối tháng 6/2021, Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết 194 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng từ Covid-19. Gói giải cứu này trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay với lãi suất 0% và 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Vào tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã phát hành thêm cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với quy mô 8.000 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước đã đầu tư 6.894,9 tỷ đồng để mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Ana - cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines - đã chuyển nhượng quyền mua 70 triệu cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên Vietnam Airlines mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho việc chuyển nhượng quyền mua. Quyền mua cổ phiếu của Ana đã được phân bổ đều cho hơn 13.000 người lao động để mỗi người có quyền sở hữu cổ phiếu như nhau, không phân biệt thâm niên công tác hay vị trí làm việc.
Hiện Ủy ban quản lý vốn nhà nước là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines với tỉ lệ 86,19% cổ phần, phần còn lại là cổ đông chiến lược Ana Holdings (Nhật Bản).
Cuối tháng 9/2021, Vietnam Airlines phát hành và đã chào bán 800 triệu cổ phiếu từ ngày 05/8 - 14/9/2021 và kết thúc với 796,1 triệu cổ phiếu được phân phối cho 27.627 cổ đông, tương ứng 99,51% tổng số cổ phiếu chào bán với số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng.
Với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, Vietnam Airlines được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.
Vietnam Airlines "gồng mình" vượt bão thua lỗ
Mới đây, tại đại hội cổ đông bất thường năm 2021, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 tiếp tục tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, thậm chí còn nặng nề hơn rất nhiều so với năm 2020.
Hãng trình kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng, tuy nhiên ông Hiền cho hay kết quả quả kinh doanh của Vietnam Airlines 2021 tốt hơn so với mục tiêu đặt ra tại đại hội cổ đông. Mặc dù vậy, tình hình tài chính năm nay vẫn rất xấu với Vietnam Airlines và các hãng khác.
Tại phiên họp này, Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ của doanh nghiệp này. Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả lĩnh vực, gồm 7 nhóm giải pháp.
Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...
Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Vietnam Airlines đang tiến hành tái cơ cấu lại đội bay, cũng như đàm phán với bên cho thuê có các phương án hỗ trợ như huỷ, lùi lịch nhận tàu bay đến sau năm 2023, giảm chi phí, giãn thanh toán. Đồng thời, hãng tiếp tục xây dựng phương án bán máy bay.
"Tháng 12, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72, cuối tháng sẽ rõ kết quả. Từ năm 2022 đến cuối 2023, 12 chiếc A321 sẽ tiếp tục được bán thêm", ông Hà nói.
Trước đó, cuối tháng 11/2021, Vietnam Airlines đã công bố giải trình biến động lợi nhuận sau thuế quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể: doanh thu thuần quý III/2021 của HVN chỉ đạt hơn 4.735 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận gộp bị lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 3.460 tỷ đồng, phần lỗ ròng thuộc cổ đông công ty mẹ là -3.369 tỷ đồng - Trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty cũng lỗ ròng 2.932 tỷ đồng.
HVN cho biết, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là lỗ gần 2.773 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ (-2.466 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HVN lỗ 3.531 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ (-3.017 tỷ đồng) là do đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra trong thời gian cao điểm hè đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty.
Tổng doanh thu và thu nhập khác quý III/2021 của công ty mẹ giảm 41,38% so với cùng kỳ (giảm hơn 2.669,8 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 51,9%, tương đương giảm hơn 3.176,3 tỷ đồng so với cùng kỳ là do doanh thu nội địa giảm 96,5%, quốc tế giảm 71,1%, doanh thu thuê chuyến giảm 21,1%.
Tổng chi phí quý III/2021 của công ty mẹ giảm 26,5% tương đương giảm 2.363,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng doanh thu và thu nhập khác của quý 3/2021 giảm nhiều hơn tổng chi phí dẫn đến lợi nhuận sau thuế thuế công ty mẹ giảm 306,8 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu chỉ đạt hơn 18.700 tỷ đồng, (cùng kỳ đạt 32.410 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 9 tháng lỗ 11.947 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 8.000 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế lỗ 12.153 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 8.280 tỷ đồng). EPS âm 5.376 đồng/cổ phiếu.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên đến gần 21.200 tỷ đồng.
Bão Covid-19 "càn quét" khiến ngành hàng không thoi thóp
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo năm 2022 ngành hàng không thế giới sẽ tiếp tục thua lỗ với tổng mức lỗ ròng là 12 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thua lỗ trong năm 2022 thấp hơn so với mức thua lỗ 52 tỷ USD dự báo trong năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Tính theo khu vực, các hãng hàng không ở châu Âu có thể ghi nhận mức thua lỗ nhiều nhất 9,2 tỷ USD và các hãng ở châu Á - Thái Bình Dương dự báo thua lỗ 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, các hãng hàng không ở Bắc Mỹ dự báo sẽ đạt lãi ròng 9,9 tỷ USD năm 2022.
Tại Việt Nam, dòng tiền kinh doanh của nhiều hãng hàng không đang "thoi thóp" và rơi vào "vùng nguy hiểm". Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines chiếm hơn 66%.
Chủ tịch VABA cho biết từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Doanh nghiệp hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỷ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều công ty chứng khoán nhận định xu hướng của cổ phiếu ngành hàng không trong ngắn và trung hạn phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh trong nước. Nếu các địa phương tiếp tục siết giãn cách xã hội, ngành hàng không buộc "đóng băng", giá trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục đi ngang hoặc lao dốc. Nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có nhu cầu tích luỹ để chờ tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh.
Chia sẻ trên Vnexpress, Công ty Chứng khoán Rồng Việt ước tính trong nửa cuối năm nay, hàng không là nhóm doanh nghiệp duy nhất ghi nhận lỗ với khoảng 450 tỷ đồng và tăng trưởng âm 192% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, nhóm nay sẽ có doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng năm 2022, đứng đầu về mức tăng trưởng doanh thu trong tất cả nhóm ngành với 110% và có lãi khoảng 2.140 tỷ đồng.
"Chúng tôi kỳ vọng thị trường hàng không trong nước sẽ cần hai năm để phục hồi hoàn toàn từ mức thấp của năm nay, trong khi thị trường quốc tế có thể cần đến ba năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế sẽ nhanh hơn rất nhiều so với thị trường nội địa trong thời gian sau đó", nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Bên cạnh vận tải hành khách, hoạt động vận tải hàng hoá bằng đường hàng không cũng được kỳ vọng diễn biến khả quan hơn khi khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự kiến tăng 8% (theo WTO) do các nền kinh tế sẽ mở cửa sau khi triển khai vaccine toàn cầu. Giá cước vận tải container bằng đường biển đã tăng mạnh nhưng nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng cũng là cơ hội cho vận tải bằng đường hàng không trong thời gian tới.