Trái chiều cổ phiếu khoáng sản: BKC phá đỉnh, YBM tím trần còn KSV và HGM lao dốc
Danh sách cổ phiếu biến động mạnh tuần qua tiếp tục ghi nhận sự góp mặt đông đảo của nhóm khoáng sản. Tuy nhiên, sự đồng thuận tăng điểm đã không còn.
Kết thúc tuần giao dịch 17/2 - 21/2, thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến sôi động với sự bứt phá mạnh mẽ của chỉ số VN-Index. Cụ thể, VN-Index đã tăng khoảng 20 điểm, từ mốc 1.275 lên 1.296 điểm với thanh khoản trung bình đạt hơn 15.000 tỷ đồng/phiên.
Dòng tiền tiếp tục tìm đến các cổ phiếu có thanh khoản thấp, đẩy một số mã tăng vọt. Tuy nhiên, sự đồng thuận trong nhóm cổ phiếu khoáng sản đã không còn, thay vào đó là sự phân hóa rõ nét. Trong khi một số mã như YBM, BKC liên tục tím trần và góp mặt trong danh sách cổ phiếu tăng mạnh, không ít mã lao dốc, thậm chí giảm sàn, điển hình là BKC và HMG.

Chốt tuần, YBM là cổ phiếu tích cực nhất sàn HoSE khi tăng hơn 38%. Đáng chú ý, cổ phiếu này đã tím trần cả 5 phiên liên tiếp trong tuần qua. Tính theo mức giá 15.550 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Khoáng sản công nghiệp Yên Bái đạt hơn 222 tỷ đồng.
Đà thăng hoa của YBM diễn ra trong bối cảnh các mã khoáng sản "hot" nhất HoSE như FCM và BMC dần hạ nhiệt. FCM đã tụt hạng trong danh sách top 10 tăng mạnh nhất tuần, trong khi BMC thậm chí bị loại khỏi nhóm này. Diễn biến trên cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn chưa rời bỏ nhóm cổ phiếu khoáng sản mà đang có sự dịch chuyển, luân phiên tìm kiếm cơ hội giữa các mã.
Trái ngược với sự tăng mạnh về giá, thanh khoản của cổ phiếu YBM chỉ ở mức nhỏ giọt. Theo thống kê, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất của mã này đạt khoảng gần 16.800 đơn vị, tương đương 0,12% tổng số cổ phiếu được lưu hành.
Theo dữ liệu của DNSE, tỷ lệ free-float của mã này là khoảng 25% - mức tương đối thấp. Khi cổ phiếu có tỷ lệ trôi nôi thấp, việc đẩy giá sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tại Khoáng sản Công nghiệp Yên Bái, ông Đỗ Thanh Sơn, Công ty CP Nhựa Châu Âu, bà Đào Thị Thuận và ông Hoàng Minh Hiếu là những cổ đông lớn nhất khi nắm giữ lần lượt 23,45%, 23%, 11,52% và 8,63% vốn doanh nghiệp.

Với mức tăng 35,66%, PIT là cổ phiếu tăng mạnh thứ 2 trên sàn HoSE. Tính theo mức giá 7.190 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Xuất nhập Petrolimex - PITCO đã lên hơn 102 tỷ đồng. Tương tự như YBM, thanh khoản của cổ phiếu PIT cũng chỉ ở mức nhỏ giọt, trung bình 10 phiên chỉ đạt hơn 11.000 đơn vị.
Xếp thứ 3 là cổ phiếu ASP với mức tăng 25,49%. Tính theo mức giá 5.170 đồng/cp, vốn hóa của Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha đạt khoảng 193 tỷ đồng. Nói thêm về doanh nghiệp, trong bối cảnh làm ăn sa sút, năm vừa qua, Dầu khí An Pha ghi nhận biến động lớn ở bộ máy quản lý thượng tầng. Sau ĐHĐCĐ, HĐQT của doanh nghiệp chỉ còn bao gồm lãnh đạo người Nhật Bản. Mới đây, Dầu khí An Pha đã đâm đơn khởi kiện người quản lý cũ.
Các cổ phiếu còn lại của top 10 mã tăng mạnh nhất tuần là ST8 (+22%), FCM (+16,63%), TPC (+16,46%), TMT (+15,88%), VNL (+15,25%).
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần là KPF (-21,47%), SMA (-10,38%), FDC (-6,8%), JVC (-6,72%), STG (-6,23%), DCL (-6,08%), CMV (-5,83%), HRC (-5,51%), HU1 (-5,45%), AAM (-4,96%).
Trong nhóm trên, cổ phiếu KPF của Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji là mã tiêu cực nhất khi tiếp tục “dò đáy”. Hiện tại, cổ phiếu này đã rơi về mốc 1.390 đồng/cp, rẻ hơn mức giá của một cốc trà đá. Nguyên nhân chính khiến KPF giảm mạnh là do cổ phiếu này sắp bị đình chỉ giao dịch, kể từ ngày 26/2.
Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2024, Đầu tư tài sản Koji trắng doanh thu và lỗ kỷ lục gần 277 tỷ đồng. Với khoản lỗ kỷ lục này, KPF lỗ lũy kế gần 135 tỷ đồng, tổng tài sản cũng ‘bốc hơi’ 34% so với đầu năm còn hơn 532 tỷ đồng, do Công ty tăng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 324 tỷ đồng, gấp 9.5 lần đầu năm.
HNX: BKC tiếp tục phá đỉnh, KSV, HGM lao dốc
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là BKC (+60,49%), ATS (+50%), NSH (+36,96%), GLT (+31,92%), SDA (+31,25%), CTP (+30,5%), MVB (+27,23%), VIF (+24,28%), SJE (+21,33%), VNT (+20,43%).
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là KSV (-16,1%), MDC (-14,19%), TFC (-13,41%), TKU (-11,60%), TMX (-11,11%), MCO (-10,26%), HGM (-9,93%), LCD (-9,68%), BPC (-9,26%), SAF (-9,09%).

Đáng chú ý là diễn biến trái chiều của “bộ ba” BKC – KSV – HGM, từng cùng nhau “làm mưa làm gió” những ngày vừa qua.
Cổ phiếu BKC của Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn tiếp tục bay cao khi tăng trần trong cả tuần qua. Tính từ khoảng cuối tháng 1 tới nay, cổ phiếu này đã có gần 20 phiên tăng trần, qua đó đưa giá cổ phiếu tăng hơn 6 lần so với vùng đáy chỉ trong thời gian ngắn.
Với nhịp tăng bất thường của cổ phiếu, Khoáng sản Bắc Kạn đã có văn bản giải trình vào ngày 20/2. Đáng nói, đây đã là lần giải trình thứ 2 trong tháng về nguyên nhân cổ phiếu tăng trần. Tương tự lần giải trình trước đó vào ngày 06/02, Khoáng sản Bắc Kạn cho rằng những kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp trong quý 4/2024 là một trong những yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu BKC trong thời gian qua.
Khoáng sản Bắc Kạn tiếp tục khẳng định, các diễn biến giá cả của cổ phiếu BKC hoàn toàn phản ánh diễn biến khách quan cung cầu của thị trường, nằm ngoài sự kiểm soát và doanh nghiệp không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu trên thị trường.
Về kết quả kinh doanh, lãi ròng năm 2024 của Khoáng sản Bắc Kạn đạt gần 54 tỷ đồng, gấp 10.5 lần con số cùng kỳ khi doanh thu thuần đạt 567 tỷ đồng, tăng 32% và giá vốn gần 472 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Doanh thu và lãi ròng đều ở mức cao nhất từ trước đến nay. So với mục tiêu đặt ra cho năm 2024, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cao gấp 10,4 lần.
Với việc BKC ngày càng trở nên “đắt đỏ”, giới đầu tư đang dõi theo từng động thái của ban lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là giao dịch của Phó tổng giám đốc Vũ Gia Hạnh. Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 5/2/2025, vị này đã đăng ký mua vào 30.000 cổ phiếu BKC trong khoảng thời gian từ ngày 6/2/2025 đến 28/2/2025. Câu hỏi đặt ra là ông Vũ Gia Hạnh sẽ phải chi bao nhiêu tiền cho thương vụ này, khi chỉ trong giai đoạn từ 6/2 đến 21/2, giá cổ phiếu đã vọt lên tới 210,99%. Chưa kể, trong cơn “sốt giá”, quyết định mua vào của lãnh đạo doanh nghiệp còn được xem như một phép thử niềm tin.
Ở chiều ngược lại, bộ đôi KSV - HGM đồng loạt điều chỉnh trong tuần giao dịch vừa qua. Dưới góc độ kỹ thuật, cả 2 cổ phiếu này đã cho những tín hiệu xác nhận tạo đỉnh sau chuỗi tăng giá bằng lần trong giai đoạn vừa qua.
UPCoM: TNV vững 'ngôi vương', MIC gây chú ý
Trên UPCoM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất là TNV (+71,13%), MLS (+53,33%), DNM (+50%), DRG (+50%), YBC (+48,84%), MIC (+44,64%), SD2 (+40%), HLS (+40%), SJG (+37,36%), LSG (+37,29%).
Trong đó, cổ phiếu TNV của Công ty CP Thống nhất Hà Nội tiếp tục có thêm một tuần “ngạo nghễ” tại vị trí quán quân. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu cũng tương tự thời gian trước đó khi chỉ dừng lại ở mức thấp.

Trong khi đó, dù không phải mã tăng mạnh nhất nhưng cổ phiếu MIC của Công ty CP Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam lại mã thu hút được nhiều sự quan tâm khi chuẩn bị “chuyển nhà”. Theo kế hoạch, ngày 19/03/2025, hơn 5,5 triệu cổ phiếu MIC sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn HNX. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn HNX được xác định theo nguyên tắc bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu MIC trên sàn UPCoM trước ngày hủy đăng ký giao dịch.
Với thông tin trên, cổ phiếu MIC đã hút được dòng tiền lớn, thể hiện ở mức thanh khoản tăng vọt trong tuần qua. Trong phiên 21/2, thanh khoản của cổ phiếu đạt trên 106 nghìn đơn vị, gấp gần 3 lần so với mức trung bình 10 phiên. Tính theo mức giá 32.400 đồng/cp, vốn hóa của đạt hơn 178 tỷ đồng.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là GLC (-40%), GER (-40%), CFM (-23,81%), CMN (-23,08%), ICI (-22,22%), TS3 (-21,62%), DC1 (-21%), VHH (-20,37%), TA6 (-18,58%), CAD (-16,67%).
Trong đó, cổ phiếu GLC của Công ty CP Vàng Lào Cai là mã biến động mạnh nhất khi giảm 40%. Đáng nói, tuần qua, cổ phiếu này chỉ ghi nhận đúng một giao dịch với lệnh bán 100 đơn vị. Thực tế, mặc dù được niêm yết trên UPCoM từ năm 2019 nhưng số lần cổ phiếu này được khớp lệnh chỉ đến trên “đầu ngón tay”.