‘Nước rút’ trước giờ chuyển sàn, 1 cổ phiếu khoáng sản tăng 90% trong 1 tháng

Hơn 5,5 triệu cổ phiếu MIC sẽ giao dịch tại HNX từ ngày 19/3 tới đây, sau khi huỷ đăng ký tại hệ thống giao dịch UPCoM.

Theo thông báo mới đây của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam (UPCoM: MIC), ban lãnh đạo đã thông qua việc huỷ đăng ký giao dịch cổ phiếu MIC của doanh nghiệp tại hệ thống giao dịch UPCoM.

Cụ thể, hơn 5,5 triệu cổ phiếu MIC sẽ huỷ giao dịch tại UPCoM từ ngày 4/3, ngày giao dịch cuối cùng là 3/3. Sau đó, MIC sẽ chuyển sàn sang HNX với ngày giao dịch đầu tiên là 19/3.

Giá tham chiếu dự kiến trong ngày giao dịch trở lại này được xác định theo nguyên tắc: giá tham chiếu bình quân ba mươi phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu MIC trước ngày huỷ đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu MIC tại UPCoM sẽ được giữ nguyên số lượng cổ phiếu sở hữu.

MIC tiền thân là Xí nghiệp Khai thác cát công nghiệp và xuất khẩu Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập năm 1984 theo Quyết định số 91/QĐ-UB của UBND Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Hoạt động sản xuất chính là khai thác, chế biến và kinh doanh cát trắng; khai thác, chế biến và kinh doanh bột tràng thạch; cho thuê kho bãi, nhà xưởng sản xuất, văn phòng làm việc.

Tính tới ngày 26/9/2024, 4 cổ đông lớn của MIC gồm có 2 tổ chức là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (nắm giữ 25,56%) và Công ty Cổ phần VP Silica (nắm giữ 24,64%); 2 cá nhân là ông Nguyễn Bá Phong (nắm giữ 10,58%) và ông Lê Tuấn Điệp (nắm giữ 6,18%). Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này là 0,94%.

MIC lần đầu niêm yết tại HNX là ngày 21/12/2007, ngay từ những năm đầu khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được thành lập. Sau khi lên sàn, MIC đã liên tục thực hiện huy động vốn, tăng vốn điều lệ từ 12,95 tỷ đồng lên 54,86 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2014, MIC bị huỷ niêm yết bắt buộc tại HNX do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ liên tục trong 3 năm 2011, 2012 và 2013. Doanh nghiệp đã công bố loạt biện pháp khắc phục như thuê mỏ khai thác, thanh lý tài sản tại Lào, khách hàng tiêu thụ sản phẩm tăng trở lại,… trước thềm huỷ niêm yết để trấn an cổ đông, nhưng kết quả kinh doanh năm 2014 vẫn thua lỗ 11,7 tỷ đồng.

Dẫu vậy, kể từ khi xuống hệ thống UPCoM, kết quả kinh doanh của MIC bắt đầu khởi sắc từ năm 2015 và cho đến nay đều không rơi vào tình cảnh thua lỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiết lập được những kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt trong giai đoạn 2022-2023.

Diễn biến cổ phiếu MIC  
Diễn biến cổ phiếu MIC  

Cụ thể, năm 2022, MIC ghi nhận doanh thu tăng 8,7%, đạt hơn 150 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2021. Sang năm 2023, doanh thu tiếp tục tăng 20%, đạt 180 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm gần 18%, đạt 10,8 tỷ đồng tuy nhiên vẫn là mức cao so với những năm trước.

Về giá cổ phiếu, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, MIC ghi nhận những tín hiệu tích cực trên thị trường chứng khoán khi tăng tốc tới 94%, từ mức 17.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 15/1/2025) tăng lên 32.400 đồng/cổ phiếu (ghi nhận trong phiên sáng 21/2/2025).

Đặc biệt, nhờ làn sóng đang nổi lên trong lĩnh vực khoáng sản, cổ phiếu MIC càng thêm động lực để có được những phiên tăng trần liên tiếp trong thời gian qua. Với biên độ 15% của hệ thống UPCoM, MIC dễ dàng đạt được mức tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2024.

Theo đó, làn sóng tràn vào các cổ phiếu khoáng sản xảy ra ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố hạn chế xuất khẩu các khoáng sản chiến lược sang Mỹ, một động thái được xem là “đòn đáp trả” trước chính sách siết chặt ngành bán dẫn của Washington. Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ hưởng lợi từ việc “lấp chỗ trống” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng tiền ồ ạt đổ vào cổ phiếu khoáng sản.

Không chỉ MIC, nhiều cổ phiếu khoáng sản khác như BKC của Khoáng sản Bắc Kạn, HCM của Khoáng sản Hà Giang, KSV của Khoáng sản TKV, KCB của Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng, MGC của Địa chất mỏ - TKV, MSR của Masan High-Tech Materials,… cũng đồng loạt ghi nhận nhiều phiên tăng trần.

Hải Đường

Theo VietnamFinance