Trái phiếu BĐS chiếm "ngôi vương": Băn khoăn về rủi ro

Với tỷ trọng chiếm 38% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020, BĐS chiếm

Thống kê chung của Công ty Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp, quy mô đang tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị thị trường này đã đạt khoảng 950.000 tỷ đồng tính đến cuối 2020, chiếm 15,6% GDP. Đặc biệt, quy mô thị trường tăng vọt trong 2 năm trở lại đây (giai đoạn năm 2019-2020) với mức tăng tới 45%.

Trái phiếu BĐS chiếm "ngôi vương": Băn khoăn về rủi ro - Ảnh 1
Trái phiếu BĐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Ảnh minh họa

Tính riêng trong năm 2020, trái phiếu doanh nghiệp thực sự bùng nổ khi phát hành sơ cấp đạt 431.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trái phiếu Chính phủ và gấp 1,3 lần năm 2019 khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 320.000 tỷ đồng, cũng gấp gần 3 lần năm 2018.

Các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng là những lĩnh vực hút được lượng tiền lớn thông qua kênh phát hành trái phiếu.

Cụ thể, các danh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS đã dẫn đầu khi chiếm tỷ trọng 38% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020, BĐS chiếm "ngôi vương" phát hành trái phiếu.

Tỷ trọng này tăng tới 24% so với năm 2019 và giúp lĩnh vực BĐS thu về nguồn tiền 163.700 tỷ đồng.

Xếp thứ hai là ngành ngân hàng với tỷ trọng 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành năm 2020. Tỷ trọng này thấp hơn năm 2019 là 37% nhưng cũng giúp cho lĩnh vực này huy động được nguồn tiền 129.300 tỷ đồng.

Tính chung trong 2 năm qua, lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh ở lĩnh vực bất động sản, từ mức trên 8,5%/năm lên 10,5%/năm, giúp lĩnh vực này gom được nguồn tiền rất lớn.

Rủi ro

Trước tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng "nóng", Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ... Với các nhà đầu tư cần cẩn trọng, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tránh rủi ro...

Đặc biệt, với vai trò quản lý, Bộ Tài chính sẽ phối hợp thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Khuyến nghị của Bộ Tài chính đưa ra sau khi có nhiều lo ngại về tính rủi ro từ thị trường trái phiếu BĐS.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, thị trường trái phiếu bất động sản phát triển nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.

Nhà đầu tư phải cẩn trọng với những công ty bất động sản đưa ra mức lãi suất trái phiếu cao gấp đôi lãi suất ngân hàng bình thường. Bởi lãi suất càng cao sẽ đi đôi với những rủi ro càng cao.

Báo Tiền phong dẫn lời chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho hay: "Nhiều doanh nghiệp muốn thúc đẩy nhanh các dự án bất động sản, bởi nếu trì hoãn, chậm tiến độ, có nguy cơ bị thu hồi. Vì vậy, để phát hành trái phiếu thành công, lãi suất phải hấp dẫn".

Trong khi đó, thạc sĩ tài chính Nguyễn Bảo Chương nói rằng, hiện nay các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đều không có ngân hàng bảo lãnh. Các ngân hàng khá e dè việc bảo lãnh này vì bị tính vào room tín dụng bất động sản.

Còn các doanh nghiệp bất động sản lại lập lờ bằng cách nhờ công ty chứng khoán của các ngân hàng đứng ra phát hành. Ở đây, công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò môi giới, còn các quyền, nghĩa vụ, sinh lợi hay rủi ro… đều thuộc về nhà đầu tư.

 

An An (tổng hợp)

Theo Đất Việt