Tranh cãi về tăng diện tích căn hộ chung cư ở TP.HCM

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất tăng diện tích sử dụng tại căn hộ để xác định dân số. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho hay, đề xuất nói trên có nhiều bất cập.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có dự thảo quy định về phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp.

Dự thảo đưa ra 2 phương pháp tính gồm xác định theo chỉ tiêu 3,5 người/căn hộ hoặc xác định theo cơ cấu phòng ở và diện tích sử dụng căn hộ tương ứng.

Theo đó, căn hộ 1 phòng ở có diện tích sử dụng từ 25 m2 đến dưới 35 m2 tính cho 1 người ở; từ 35 m2 đến dưới 50 m2 cho 2 người ở. Căn hộ 2 phòng ở có diện tích từ 50 m2 đến dưới 75 m2 cho 3 người ở, căn hộ 2 phòng ở từ 75 m2 đến dưới 100 m2 cho 4 người ở. Căn hộ 3 phòng ở có diện tích 100 m2 đến dưới 125 m2 cho 5 người ở và căn hộ có diện tích sử dụng từ 125 m2 trở lên tính 6 người ở.

Dự thảo này đang đưa ra số liệu thấp hơn so với quy định tại Hà Nội. Tại Hà Nội, chỉ tiêu được xác định 3,6 người/căn hộ hoặc xác định theo cơ cấu phòng ở, diện tích cũng lớn hơn so với dự thảo của TP.HCM.

Tại Hà Nội, với nhà ở xã hội, căn hộ 1 phòng ở, diện tích sử dụng 25 - 45 m2 tính 1 người; căn hộ 2 - 3 phòng, trên 40 - 55 m2 tính 2 người; trên 55 - 70 m2 tính 3 người; trên 70 - 77 m2 tính 4 người ở.

Phương pháp xác định dân số trong các tòa nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp mà Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất trên đây đang gây nhiều tranh luận.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho hay, phương pháp nói trên có nhiều bất cập.

Đầu tiên là về cách tính, 2 phương pháp của Sở Xây dựng đưa ra đang mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, so sánh với Hà Nội, cách tính theo phương pháp trung bình của TP.HCM đang giảm về mật độ dân số. Tuy nhiên nếu tính theo m2 sử dụng, TP.HCM lại cho thấy sự gia tăng về mật độ khi chia nhỏ diện tích hơn.

Chưa kể với việc chia nhỏ diện tích hơn, TP.HCM đang đi ngược lại xu hướng và chủ trương về việc cần phải gia tăng diện tích sử dụng của người dân, tạo nên môi trường sống chất lượng hơn.

Về vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản đề xuất TP.HCM cần tính toán lại phương pháp xác định dân số tại các khu chung cư theo hướng tăng diện tích sử dụng nhà ở bình quân của người dân để tạo nên môi trường sống chất lượng hơn.

Tranh cãi về tăng diện tích căn hộ chung cư ở TP.HCM - Ảnh 1

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho hay phương pháp tính cho thấy Hà Nội có cách tính hợp lý hơn theo hướng tăng diện tích sử dụng nhà ở bình quân của người dân để tạo nên môi trường sống chất lượng hơn so với dự thảo của TP.HCM.

Ông Châu dẫn chứng, với căn hộ 2 người ở, Hà Nội cho phép quy hoạch căn hộ đến 70m2 nhưng tại TPHCM thì dự kiến chỉ cho phép đến 60m2. Trong khi cả 2 thành phố đều là đô thị loại đặc biệt và đều định hướng phát triển thành đô thị đa trung tâm với nhiều đô thị vệ tinh tại các quận vùng ven và các huyện ngoại thành, là nơi có quỹ đất lớn, tạo không gian sống chất lượng cho các gia đình.

Vì vậy, HoREA đề nghị Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM, cân nhắc lại để ban hành quyết định này một cách hợp lý nhất để định hướng phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới và chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị hiện hữu hiện đại, nâng cao chất lượng nhà ở và tăng diện tích nhà ở bình quân cho người dân. Bởi hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại TP.HCM chỉ mới đạt khoảng 23m2, thấp hơn mức diện tích nhà ở bình quân đầu người 27,8m2 năm 2023 của cả nước.

HoREA cũng đề nghị sửa đổi theo hướng tăng diện tích sử dụng căn hộ theo từng cách xác định dân số, nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh này sẽ tạo nên một môi trường sống chất lượng hơn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Minh Anh

Theo VietnamFinance