Trong khi chờ 20 doanh nghiệp Việt tỷ USD…
Nếu không cẩn trọng, một điều tương tự như dự tính đẩy hộ gia đình lên doanh nghiệp để cán đích 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có thể tái diễn.
Nghiên cứu về chất liệu sợi dây kinh nghiệm rất có thể sẽ mang lại một giải thưởng khoa học danh giá cho bất cứ ai đủ sự… lạc quan không giới hạn. Cứ theo như những gì được phản ánh, hiếm có loại vật liệu nào có độ bền tuyệt đối lại co giãn tùy ý người sử dụng, được yêu thích đến mức đã trở thành câu cửa miệng.
Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công không nên và không thể nhắm theo các mục tiêu và thành tích. Đành rằng, dù hiệu quả hay không, việc giải ngân cũng sẽ mang lại những con số tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, khi nguồn lực công là có hạn, khi gánh nợ công trên vai người dân ước tính đã nặng gần 40 triệu đồng/người, nếu đầu tư không hiệu quả, hệ lụy cho tương lai rất đáng phải tính đếm thận trọng. Việc một số bộ, ngành địa phương trả lại dự án sử dụng vốn vay ODA, xét trên một khía cạnh nào đó, phải coi là tín hiệu đáng mừng. Sợi dây kinh nghiệm, nếu cần được rút thì phải nằm từ khâu lựa chọn dự án. Không thể mải mê chạy theo các khoản vay, kể cả với lãi suất rất ưu đãi, để chi tiêu cho một việc chưa thực sự cần thiết.
Trở lại với nghiên cứu có thể sẽ xuất hiện về sợi dây kinh nghiệm, vấn đề mà người viết muốn đề cập trong bài này là mục tiêu Việt Nam sẽ có 15 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa trên 1 tỷ USD vào năm 2025 và 20 doanh nghiệp tư nhân vốn hóa trên 1 tỷ USD năm 2030. Giấc mơ rất đẹp này có lẽ bắt nguồn từ tính toán, số doanh nghiệp tỷ USD này sẽ thành những trụ cột của nền kinh tế. Và sức lan tỏa, nâng đỡ từ các ông lớn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khối tư nhân lớn mạnh dần lên, làm tròn sứ mệnh được giao phó. Bài học từ các nước phát triển, trong đó có Hàn Quốc, nền kinh tế rất gần gũi với Việt Nam càng giúp củng cố niềm tin này.
Nhiều ngân hàng thương mại lọt danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên thị trường chứng khoán |
Quả thật, cũng có những đám mây hồng nhạt bay là là trong giấc mơ doanh nghiệp tỷ USD vừa được công bố. Thậm chí nếu căn cứ vào số liệu được thống kê trên các sàn chứng khoán, số doanh nghiệp tỷ USD hiện có tại Việt Nam đã xấp xỉ con số 30. Trừ đi nhóm doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm cổ phần chi phối, trừ tiếp đi nhóm doanh nghiệp mà nhà nước đang chiếm trên 51% cổ phần, trong 5 năm tới, cái đích 15 doanh nghiệp tỷ USD “thuần Việt” là một mục tiêu khả thi.
Thế nhưng, mức góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong danh sách những ông lớn ‘khả thể’ này sẽ như thế nào là một câu hỏi buộc phải trả lời. Trên thực tế, các thương vụ mua bán - sáp nhập M&A đang rất phổ biến. Các doanh nghiệp lớn đều đã IPO, đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ lượng vốn hơn cả con số tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt. Thậm chí, việc những pháp nhân Việt Nam đại diện cho phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể xảy ra. Với các kịch bản này, liệu có phải doanh nghiệp Việt đã lớn lên?
Nếu tính đếm phần đóng góp của các doanh nghiệp tỷ USD tới nền kinh tế Việt Nam, nỗi băn khoăn lại càng lớn hơn. Bài học các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI được trải thảm đỏ, được giúi vào tay ưu đãi, trong khi đóng thuế (tính cả phần thuế gián thu) lại vô cùng khiêm tốn đã được ghi nhận. Ngay cả đối với những doanh nghiệp Việt đã cán mốc tỷ USD, các số liệu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn, tỷ suất nộp thuế trên vốn và đặc biệt, tỷ suất nộp thuế trên ưu đãi chưa thể minh bạch. Quan niệm không coi ưu đãi là tiền, là tín dụng, là thị trường… khiến cho vấn nạn ở nhiều doanh nghiệp FDI như đã đề cập ở trên dễ dàng lặp lại với những “đại doanh nghiệp” Việt.
Vả lại, dù có xuê xoa, không cân đếm hầu hết các yếu tố trên, nhưng khi nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang còn èo uột, khả năng lan tỏa, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Việt rất khó thực hiện. Được gì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi các đại gia điện thoại, ô tô đều lựa chọn các nhà cung cấp nước ngoài tại nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam? Câu hỏi khó hơn là, nếu ưu đãi cho những đại gia này, chúng ta sẽ nhận lại quả ngọt nào?
Quan trọng hơn, kiểu tư duy chạy theo số lượng đang biểu hiện tương đối rõ trong cách thức hoạch định các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế. Sau sự không thành công của dự định 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, kế hoạch 15 doanh nghiệp tỷ USD năm 2025 vẫn tiếp tục được đưa ra.
Lần này, sợi dây kinh nghiệm còn không được đề cập tới, cứ như thể, đại dịch Covid-19 có thể bao biện cho tất thảy, kể cả con số mang nặng tính bàn giấy kể trên. Đề cập tới việc chăm sóc, phát triển các doanh nghiệp tỷ USD đưa ra trong thời điểm hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 có thể còn làm nảy sinh nhiều nỗi hoang mang. Ai cũng biết, để đạt mục tiêu, cái giá là ưu đãi và nguồn lực vốn hạn hẹp sẽ lại được dồn sang cho những người giàu. Một điều tương tự như dự tính đẩy hộ gia đình lên doanh nghiệp để cán đích 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 có thể lại tái diễn.
Tất nhiên, không thể phủ nhận mong muốn tốt đẹp của các vị công bộc dành nhiều tâm sức lo lắng cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Để hoàn thành ý nguyện này, song song với việc hỗ trợ, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tỷ USD ra mắt thì chiến lược và giải pháp cụ thể để khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh hơn cũng phải được triển khai và triển khai có hiệu quả.
Một là, phải lựa chọn được những ngành, lĩnh vực cụ thể trong nền kinh tế mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, thể hiện ở năng lực nội tại và khả năng tiếp cận thị trường. Nhóm doanh nghiệp lớn, lựa chọn đầu tư các mảng miếng này sẽ được ưu đãi kèm với các ràng buộc rõ ràng, cụ thể, đương nhiên trong đó có điều khoản hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ.
Đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi vốn vay và chính sách để họ tiếp cận được với những thiết bị, công nghệ tiên tiến, hỗ trợ họ bồi dưỡng năng lực quản lý, vận hành các dây chuyền sản xuất… đảm bảo nhóm doanh nghiệp này có thể sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đặt hàng, bao gồm cả doanh nghiệp FDI.
Về phía quản lý, phải theo từng bước đi của các doanh nghiệp này, tránh tối đa các rủi ro, giúp họ có phương án đối phó với những rủi ro trước mắt và trong dài hạn. Khi đó, vai trò của các tổ chức chuyên môn, đứng bên cạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa là vô cùng quan trọng.
Như đã từng đề cập, cơn suy thoái bởi đại dịch Covid-19, nếu biết tận dụng, có thể thành cơ hội tái cơ cấu khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đang hết sức mong mỏi một chiến lược đúng đắn và bài bản hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch, tiếc là, thực tế đang cho thấy, chúng ta vẫn rất loay hoay.