Trung tâm thương mại trên đất vàng Hà Nội: Vắng khách, nghìn m2 mặt bằng bỏ trống
Một số trung tâm thương mại lớn ở vị trí đắc địa vắng khách, trong khi các TTTM mới như Lotte và Aeon luôn đông đúc và kín mặt bằng.
Trong những năm gần đây, một số trung tâm thương mại lớn dù tọa lạc tại các vị trí đắc địa và đông đúc dân cư lại phải đối mặt với tình trạng bỏ hoang mặt bằng và lượng khách mua sắm sụt giảm nghiêm trọng. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các trung tâm mới, hiện đại và phong phú hơn khiến các trung tâm cũ dần "chết yểu", không thể duy trì sự hấp dẫn với khách hàng.
Cuộc đua không cân sức
Một trong những ví dụ điển hình về tình trạng này là trung tâm thương mại Discovery Complex tại Cầu Giấy, Hà Nội. Mặc dù nằm tại khu vực có mật độ dân cư cao, giao thông thuận tiện và xung quanh nhiều khu dân cư sầm uất, nhưng các lô mặt bằng tại đây đã bỏ hoang suốt hơn một năm qua.
Chia sẻ với phóng viên, một nhân viên bán hàng tại trung tâm cho biết: "Các tầng 2, 3, 4 của trung tâm luôn trong tình trạng tắt điện, không có cửa hàng nào hoạt động. Các tầng này đã bỏ trống suốt thời gian qua vì thiếu khách thuê. Một vài cửa hàng ở tầng 1 vẫn duy trì hoạt động nhờ có khách ghé qua tham khảo sản phẩm."
Mặc dù tầng 1 vẫn có một số cửa hàng duy trì hoạt động, nhưng tình trạng vắng khách đã khiến nhiều cửa hàng phải vật lộn để tồn tại. Đặc biệt, trong một ca bán hàng buổi sáng, một nhân viên phải vừa bán hàng cho hai cửa hàng khác nhau và di chuyển để phục vụ khách.



Khi liên lạc với một nhân viên bộ phận cho thuê mặt bằng ở đây cho biết, trung tâm đang trong quá trình bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy và dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào năm 2026. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn thuê mặt bằng, đại diện này cho biết chỉ ưu tiên cho các lô đã có thiết kế kính sẵn. Các lô mặt bằng thô, chưa hoàn thiện sẽ không được cho thuê vì không được phép sửa chữa hoặc thi công.
Với mức giá thuê dao động từ 15 - 17 USD/m2 (tương đương 27,3 triệu đến 30,9 triệu đồng cho diện tích 70m2), tình trạng vắng khách tại Discovery Complex cùng mức giá cao ngất ngưởng cũng không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư.
Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Trung tâm này có vị trí rất đẹp, ngay mặt đường đông đúc, nhưng hơn một năm qua luôn trong tình trạng bỏ trống. Tôi tiếc vì gần nhà mà phải di chuyển xa hơn để mua sắm hay đưa con đi chơi."
Qua quan sát của phóng viên, các tầng 2, 3, 4 vẫn bỏ trống, hệ thống điện không được sử dụng và thang máy hoạt động không ổn định, phản ánh rõ tình trạng vắng khách và khó khăn trong việc duy trì hoạt động của Discovery Complex.

Thương mại điện tử và sự cạnh tranh khốc liệt
Giải thích về tình trạng này, đại diện chủ đầu tư một trung tâm thương mại lớn cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử chính là yếu tố chính khiến lượng khách đến các trung tâm thương mại giảm sút. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Đại diện này cũng chỉ ra rằng các trung tâm thương mại cũ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các dự án mới, vốn kết hợp giữa mua sắm, vui chơi giải trí và ẩm thực hiện đại để thu hút khách hàng.
Tình trạng vắng khách không chỉ xuất hiện tại Discovery Complex mà còn tại nhiều trung tâm thương mại khác ở Hà Nội như Artemis (Thanh Xuân). Quan sát của phóng viên cho thấy các lô mặt bằng tại Artemis hầu như đều trống, ngoài một vài ngân hàng thuê mặt bằng, nhiều gian hàng khác vẫn còn ngổn ngang, chưa được dọn dẹp.
Anh Thanh Hùng (Đống Đa, Hà Nội), một cư dân sinh sống gần Artemis, cho biết: "Khách đến Artemis chủ yếu là tiêu thụ hàng hóa tại siêu thị Top Market ở tầng hầm, còn các tầng thương mại khác hầu như bỏ không." Dự án này được đưa vào sử dụng từ 7-8 năm trước, gồm 2 tầng thương mại, 6 tầng văn phòng và 19 tầng căn hộ, nhưng hiện nay công năng sử dụng của tầng thương mại gần như không còn.
Trong khi đó, những tên tuổi lớn như Lotte Mall và Aeon vẫn duy trì lượng khách đông đảo, với các lô mặt bằng luôn được lấp đầy. Phương Linh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Nhiều bạn trẻ thích đến những trung tâm này vì không chỉ có mua sắm mà còn có nhiều hoạt động giải trí, không gian thiết kế hiện đại, trẻ trung." Chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng những trung tâm thương mại mới thường có các chính sách và dịch vụ tốt hơn, phù hợp với nhu cầu và tài chính của người tiêu dùng hiện đại.
Đổi mới hoặc tiếp tục bỏ không
Tại các trung tâm như Aeon Mall hay Lotte Mall, các chủ cửa hàng không chỉ bán hàng mà còn thực hiện các chiến dịch truyền thông hấp dẫn để thu hút khách. Anh Thành, quản lý một cửa hàng tại Lotte Mall West Lake (Tây Hồ, Hà Nội), nhấn mạnh: "Các trung tâm thương mại đã hoạt động lâu nhưng nếu không thay đổi mô hình kinh doanh và không cập nhật các xu hướng mới, họ sẽ rất khó tiếp cận khách hàng."
Chị Phương Linh, một cư dân tại Tây Hồ, Hà Nội, chia sẻ: "Nhiều bạn trẻ ưa chuộng các trung tâm thương mại hiện đại như Lotte và Aeon không chỉ vì cơ hội mua sắm mà còn vì các hoạt động giải trí phong phú và không gian thiết kế trẻ trung, hiện đại."
Chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng các trung tâm thương mại mới thường có chính sách và dịch vụ linh hoạt, phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng tài chính của người tiêu dùng hiện đại.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành bán lẻ tại Việt Nam chưa bao giờ hết tiềm năng, nhưng hành vi mua sắm của người dân đang dịch chuyển mạnh mẽ sang mua sắm online. Các trung tâm thương mại cũ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các mô hình mới kết hợp mua sắm và giải trí, cũng như sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 12,6% mỗi năm trong ba năm tới. Chỉ số tiêu dùng mỗi hộ gia đình cũng dự báo tăng 38% trong giai đoạn 2024-2028, mở rộng cơ hội cho mặt bằng bán lẻ.
Mặt khác, Avison Young dự báo nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng thêm gần 29.500 m2 diện tích cho thuê mới trong hai năm tới, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với các trung tâm thương mại đã hoạt động lâu năm. Điều này sẽ khiến các trung tâm thương mại cũ phải đổi mới và thích nghi với các xu hướng tiêu dùng mới nếu muốn tồn tại và phát triển.