TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Gốc rễ của khủng hoảng trái phiếu là liên minh ngân hàng - bất động sản sân sau’
Bình luận về những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng bản chất vấn đề xuất phát từ sự liên minh giữa ngân hàng với các tập đoàn bất động sản sân sau.
Tại tọa đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn" do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng trái phiếu doanh nghiệp đang là "tử huyệt" của nền kinh tế, song bản chất của vấn đề không phải xuất phát từ trái phiếu doanh nghiệp mà từ sự liên minh giữa ngân hàng với các tập đoàn bất động sản sâu sau.
Cũng theo ông Nghĩa, bản chất cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản hiện nay là khủng hoảng phân khúc bất động sản, vì bị giới đấu cơ đẩy lên mức giá “trên trời”.
Do đó, để gỡ khó thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, giải pháp ngắn hạn và quan trọng nhất là cung tiền của ngân hàng trung ương. Giải pháp thứ hai là triển khai có hiệu quả Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để gỡ khó cho thị trường trái phiếu.
Giải pháp dài hạn hơn là phải tập trung toàn bộ nguồn lực để xử lý cho phân khúc cho nhà ở giá rẻ, kéo giá toàn bộ thị trường bất động sản đi xuống, khi đó mới có thể khai thông dòng tiền.
Riêng về Nghị định 08/2023/NĐ-CP, TS Nghĩa cho rằng, nghị định này ra đời giải quyết được 7 vấn đề lớn, như: cho phép nhà phát hành gia hạn nợ 2 năm; người mua cũng thêm một năm chưa phải tuân thủ nhà đầu tư chuyên nghiệp; cho phép doanh nghiệp thêm một năm nâng cao năng lực; cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản khác để trả nợ.
Đặc biệt, việc cho phép gia hạn thêm 2 năm đồng nghĩa với việc cho phát hành thêm đợt phát hành trái phiếu mới để đảo nợ với lãi suất vẫn như cũ; làm nhà đầu tư, nhà phát hành có niềm tin khi nhà nước, Chính phủ đồng hành và không hình sự hóa.
“Hiện chưa đánh giá ngay được mức độ tác động vào thực tiễn và lấy lại niềm tin thị trường của Nghị định 08, nhưng đây là động thái bước đầu để nhà phát hành, nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin khi thị trường lao dốc”, TS Lê Xuân Nghĩa bình luận.
Với thị trường chứng khoán, về dài hạn, ông Nghĩa khẳng định thị trường chứng khoán có triển vọng tích cực khi có một số yếu tố tích cực tác động như việc nới lỏng của ngân hàng hay niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài hay Nghị định 08...
“Do đó, thị trường chứng khoán vẫn có sự chao đảo nhất định, nhưng từ quý III năm nay (2023), thị trường sẽ nhích dần lên và bền vững hơn”, ông Nghĩa nói.
Cũng nói về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng Nghị định 08 (năm 2023) mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn.
Cụ thể, theo quan điểm của ông Lực, cần chỉ đạo quyết liệt, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn.
Giải pháp tiếp theo là nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp; khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp).
Cũng theo ông Lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống... cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn.
Ngoài ra, ông Lực cũng nhấn mạnh việc cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản.
“Theo đó, việc nâng cao hiệu quả phối hợp kết hợp giữa các cơ quan quản lý là rất quan trọng, cùng với việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, với việc tăng tính độc lập, năng lực cho cơ quan thanh tra - giám sát cũng như vai trò của bảo hiểm tiền gửi. Cùng với đó, nhà nước cũng cần có đề án để sớm nâng hạng thị trường”, ông Lực nói.