TS. Vũ Tiến Lộc: Nguồn cung tín dụng để phục hồi và phát triển kinh tế đang hạn chế so với nhu cầu vốn thực tế

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn khác trái phiếu, cổ phiếu.., còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng.

Nguồn vốn chủ yếu được huy động từ tín dụng

Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định nguồn cung tín dụng để phục hồi và phát triển kinh tế đang hạn chế so với nhu cầu vốn thực tế.

Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Nguồn ảnh: Báo đầu tư)
Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Nguồn ảnh: Báo đầu tư)

Ông cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng đến nay đã đạt 10%, dư địa chỉ còn 4% từ nay đến cuối năm. Do đó, thị trường đang kỳ vọng nhiều vào các “van” cung ứng khác cho nền kinh tế như chứng khoán, trái phiếu.

Ông cũng nhận định, nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn khác trái phiếu, cổ phiếu.., còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những ví dụ thành công nhưng việc huy động vốn qua các kênh này vẫn gặp khó khăn.

“Làm sao để đồng tiền tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ thông qua việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây chính là công thức thành công của các nền kinh tế phát triển”, ông Lộc nói.

Chưa kể, việc phát triển thị trường vốn để tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng quá trình học hỏi kinh nghiệm thế giới còn hạn chế. “Về ngắn hạn thời gian tới đến hạn thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp, như vậy các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường nhất là doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn nên cần tháo gỡ ngay những khó khăn nếu không sẽ có những đổ vỡ”, ông Lộc nhận định.

Cần có quy định rõ ràng

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định chặt chẽ các điều khoản liên quan để hạn chế rủi ro cho thị trường.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng hiện các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến rủi ro và tham gia thị trường trái phiếu khá hững hờ. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam chặt chẽ hơn thì thị trường sẽ bớt rủi ro hơn. Ông cho biết, tại Mỹ, từ lâu đã có quy định tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Song tại Việt Nam hiện nay nhiều ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư và có lợi nhuận rất lớn. Điều này không có pháp luật nào cấm, nhưng có một thực tế là những doanh nghiệp nào càng rủi ro càng cần đơn vị đứng ra bảo lãnh.

“Chúng ta chưa có những quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nên cần có những quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này. Tôi không nói là cần siết quá chặt lại nhưng cần có những quy định rõ ràng, thế giới đã tách bạch rồi Việt Nam cũng nên học hỏi”, ông Tú Anh cho biết.

Ông Trương Văn Phước Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.

Vị này cho rằng muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống