TTCP kiến nghị thu hồi DA treo, chậm: Cần làm nghiêm

TTCP đã kiến nghị thu hồi đất dự án KĐT Đại Ninh thì khó có lý do gì để cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.

Cần thực hiện đúng quy định pháp luật

Ngày 29/6, trao đổi với phóng viên về việc Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu thu hồi dự án Khu đô thị - du lịch Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng của Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (SaiGon Dai Ninh Group) hồi tháng 6/2020, luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, do dự án đã chậm trễ nhiều năm nên khó có lý do gì để cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.

Phối cảnh KĐT Đại Ninh – dự án đang bị Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi đất vì chậm tiến độ, có sai phạm trong quá trình triển khai.  
Phối cảnh KĐT Đại Ninh – dự án đang bị Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi đất vì chậm tiến độ, có sai phạm trong quá trình triển khai.  
 

Theo ông Phượng, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án KĐT Đại Ninh, chủ đầu tư là SaiGon Dai Ninh Group có nhiều sai phạm như tự ý xây dựng 1 hội trường rộng 560m2 và 15 căn nhà cho chuyên gia ở nhưng không có trong quy hoạch được cấp.

Không những thế, dự án này trong quá trình triển khai còn có dấu hiệu ảnh hưởng tới môi trường, gây mất đất rừng và bị nợ tiền xử phạt đền bù do ảnh hưởng môi trường số tiền 6,6 tỷ đồng.

“Với thông tin trên về dự án KĐT Đại Ninh và đã được xác định rõ trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ thì UBND tỉnh Lâm Đồng cần xử lý chấm dứt hoạt động đầu tư và thủ tục thu hồi đất.

Theo quy trình, nếu không thực hiện kết luận thanh tra thì chính Cơ quan thanh tra sẽ báo cáo Chính phủ xem xét trong thời gian tới. Đây là vấn đề thực hiện thanh tra nên dư luận cũng chờ đợi thông tin về việc thực hiện này", luật sư Trần Đức Phượng nói.

Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, việc giải quyết phải căn cứ theo các quy định pháp luật và trên kết quả thực hiện dự án, không phụ thuộc hoặc tiếp tục bị kéo dài thời gian bởi trước đó có nhiều dự án từng chuyển cho nhà đầu tư khác kiếm lợi nhuận từ việc bán cổ phần, phần vốn góp", ông Phượng nhận định.

Hàng loạt cây thông nằm trong khu đất xây dựng dự án KĐT Đại Ninh bị đốn hạ, gây tác động xấu tới môi trường (Ảnh Báo Đấu thầu)  
Hàng loạt cây thông nằm trong khu đất xây dựng dự án KĐT Đại Ninh bị đốn hạ, gây tác động xấu tới môi trường (Ảnh Báo Đấu thầu)  
 

Nhìn tổng quan về quản lý đất đai, dự án để tránh chậm, treo

Nhìn một cách khách quan về vấn đề dự án treo tại Việt Nam trong thời gian qua, luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, hiện tượng này phổ biến ở nhiều địa phương, số lượng dự án trong tình trạng này rất nhiều, thậm chí là kéo dài 20 năm.

Trong Luật Đầu tư 2005 và 2014 đã quy định rất rõ, các dự án sẽ bị thu hồi trong trường hợp sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án còn phải báo cáo tiến độ theo quý, hàng năm cho cơ quan đăng ký đầu tư.

Luật Đất đai 2013 cũng quy định cụ thể, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì sẽ bị thu hồi.

Hội trường không phép rộng 560m2 nằm trong KĐT Đại Ninh.  
Hội trường không phép rộng 560m2 nằm trong KĐT Đại Ninh.  
 

"Như vậy, có thể thấy, quy định về chế độ báo cáo thì chỉ nhìn vào đó Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể thấy ngay tình hình thực hiện và tiến độ dự án, do đó việc để tình trạng dự án treo kéo dài nhều năm có lý do chính và trọng yếu là công tác quản lý hậu cấp giấy đầu tư, công tác kiểm tra quản lý về đất đai có dấu hiệu bị buông lỏng rất nhiều năm trước đây", ông Phượng bày tỏ.

Luật sư Trần Đức Phượng chia sẻ, bản thân ông từng chứng kiến nhiều dự án, nhà đầu tư đăng ký dự án để Chính quyền thu hồi đất của dân, có duyệt luôn phương án bồi thường nhưng phần tiền thu hồi lại trông chờ vào tiền của doanh nghiệp, từ đó nhiều dự án kéo dài hàng 10 năm, hơn 15 năm nhưng dân không được nhận tiền bồi thường do việc thu hồi đất.

Nay khởi động lại các việc thu hồi đất này nên dân chỉ nhận được khoản tiền chỉ tính bằng chục nghìn, cao thì bằng trăm nghìn đồng so với giá chuyển nhượng trên thị trường tính bằng triệu đồng.

Các nhà đầu tư trước đây không thực hiện dự án thì nay nhận một khoản tiền để nhường lại dự án cho nhà đầu tư mới chỉ bằng các công văn của Cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đầu tư, không đúng theo quy định thủ tục của Luật đầu tư.

Từ đó, ông Phượng kiến nghị: "Cần phải xem xét nghiêm túc lại toàn bộ công tác quản lý đầu tư hiện nay, đang lộ rõ, có nhiều quy định nhưng cơ quan quản lý không thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, nếu tiếp nhận dự án đã đăng ký không triển khai thì mới có được quỹ đất và có giá chi phí còn rẻ hơn so với tự tìm quỹ đất mới.

Tôi có những văn bản dự án, khi nhà đầu tư mới vào thì UBND tỉnh cấp một giấy chứng nhận đầu tư mới “thay thế” cho giấy chứng nhận đầu tư cũ, sau đó nhà đầu tư cũ rút chân ra khỏi dự án. Dự án trở thành một dự án hoàn toàn mới, soi vào cũng không thấy lịch sử nhiều năm bất động.

Ngoài ra, một hiện tượng cũng rất đáng ngại, với các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký đầu tư thì việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và thu hồi đất thực hiện theo quy định Luật đầu tư và Luật đất đai.

Tuy nhiên, các dự án mới chỉ là chính quyền thu hồi đất và chưa giao dự án cho nhà đầu tư nhưng sau đó lại giao cho một nhà đầu tư khác không thực hiện đúng thủ tục đầu tư và thủ tục giao đất.

“Như vậy, vấn đề không phải còn bàn là quy định pháp luật hay chế tài, vấn đề ở đây là công tác quản lý dự án và quản lý đất đai chưa đúng quy định pháp luật" – Ông Phượng khái quát lại

Nhiều tỉnh quyết tâm thu hồi dự án treo

Về việc xử lý dự án chậm tiến độ, nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đang quyết tâm xử lý nghiêm để không lãng phí tài nguyên, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hồi tháng 3/2021, HĐND TP. Hà Nội đã yêu cầu UBND thành phố xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ. Trong đó, HĐND TP. Hà Nội nêu rõ, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thực hiện dự án dù đã giải phóng mặt bằng xong và sớm đưa đất đã thu hồi vào sử dụng theo đúng mục đích, quy hoạch...

"Cần xem xét thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất", HĐND TP. Hà Nội yêu cầu.

Đồng thời, HĐND TP. Hà Nội yêu cầu, không giao đất, giao dự án mới cho các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép; không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Cuối năm 2020, UBND TP.HCM cũng kiên quyết xử lý hơn 100 dự án treo trên địa bàn. Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã giao UBND các quận, huyện tổ chức công bố công khai 108 dự án với diện tích hơn 473 ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện do không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được UBND thành phố phê duyệt.

Đối với các dự án chậm triển khai, ông thay mặt UBND TP.HCM giao cho các quận, huyện phối hợp với Sở TN&MT để rà soát, xử lý, từ đó đề xuất, trình UBND thành phố xem xét thu hồi các dự án vi phạm. Đồng thời, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; xem xét, giải quyết quyền của người sử dụng đất.

Thanh Hà

Theo Đất Việt