Từ 1/9, TP. Nam Định 'hạ cấp' đô thị sau được mở rộng và 'xóa tên' 1 huyện

Từ ngày 1/9 tới đây, TP. Nam Định được mở rộng địa giới hành chính khi toàn bộ huyện Mỹ Lộc được sáp nhập.

UBND TP. Nam Định ngày 13/8 đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9.

Theo báo Dân Trí, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - ông Phạm Đình Nghị cho biết, sau khi sáp nhập, TP. Nam Định sẽ hạ cấp đô thị từ loại I xuống loại II nên cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phải tuyên truyền, giải thích để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ nội dung này.

TP. Nam Định sẽ xuống đô thị loại II sau khi sáp nhập. Ảnh minh họa 
TP. Nam Định sẽ xuống đô thị loại II sau khi sáp nhập. Ảnh minh họa 

Theo Nghị quyết, TP. Nam Định sẽ được mở rộng khi chính thức tiến hành sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên hơn 74km2 và quy mô dân số hơn 84.000 người của huyện Mỹ Lộc. Diện tích của TP. Nam Định sau khi sáp nhập sẽ tăng lên gần 121km2 và quy mô dân số gần 364.200 người. Thành phố sẽ tiếp giáp với các huyện Nam Trực, Vụ Bản; tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình.

Về đơn vị hành chính, TP. Nam Định sau khi sáp nhập sẽ có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường: Cửa Bắc, Cửa Nam, Hưng Lộc, Lộc Hạ, Lộc Hòa, Lộc Vượng, Nam Phong, Nam Vân, Năng Tĩnh, Mỹ Xá, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trường Thi, Vị Xuyên và 7 xã: Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Mỹ Phúc, Mỹ Tân, Mỹ Thắng, Mỹ Thuận, Mỹ Trung.

Bản đồ hành chính tỉnh Nam Định. Ảnh: Internet 
Bản đồ hành chính tỉnh Nam Định. Ảnh: Internet 

Huyện Mỹ Lộc sẽ giải thể, các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân nhân huyện Mỹ Lộc sẽ nhập vào Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân nhân TP. Nam Định.

Từ ngày 1/9, bộ máy đảng, chính quyền của TP Nam Định sau sáp nhập phải đi vào hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Chi Chi

Theo Chất lượng và Cuộc sống