Từ tháng 10/2024, sân bay tư nhân nghìn tỷ đầu tiên của Việt Nam sẽ có thêm 2 đường bay quốc tế

Ngoài hàng không, tỉnh này dự kiến sẽ mở thêm các tuyến du lịch đường biển, nhằm đạt được mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm nay.

Gia tăng kết nối để phát triển du lịch

Tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để phát triển tuyến bay qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Đây là thông tin được bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, công bố tại Hội nghị báo chí thường kỳ chiều ngày 27/8.

Hai đường bay quốc tế mới bao gồm: đường bay Vô Tích (Giang Tô, Trung Quốc) - Vân Đồn (Quảng Ninh), dự kiến khai thác 2 chuyến/tuần; đường bay Jeju (Hàn Quốc) - Vân Đồn (Quảng Ninh). Cả hai tuyến này sẽ bắt đầu được khai thác từ tháng 10 tới đây.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ trên cao. Ảnh: VDIA
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn từ trên cao. Ảnh: VDIA

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để mở thêm các tuyến du lịch quốc tế khác từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các tuyến bay nội địa từ khu vực phía Nam đến Quảng Ninh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Tỉnh cũng sẽ mở các tuyến du lịch đường biển, bao gồm tuyến từ TP. Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) đến TP. Hạ Long, dự kiến khai thác từ tháng 9/2024 và tuyến từ TP. Quảng Châu (Trung Quốc) đến TP. Hạ Long, dự kiến khai thác từ tháng 8/2024.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 8 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút được 14,724 triệu lượt khách, đạt 122% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 34.338 tỷ đồng, đạt 143% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 8/2024, tổng số khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tương đương 118% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến sẽ kết nối đường bay từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Sưu tầm
Dự kiến sẽ kết nối đường bay từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Sưu tầm

Mười thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Quảng Ninh gồm có: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Pháp, Đức, và Anh.

Quảng Ninh phấn đấu đạt 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, trong đó có 15,5 triệu lượt khách nội địa và 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng, mục tiêu này tăng 8% so với kế hoạch tỉnh đã đặt ra từ đầu năm.

Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tập trung phát triển cả thị trường du lịch nội địa và quốc tế, bao gồm việc tổ chức 92 chương trình, sự kiện, và hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 17 chương trình, sự kiện và hoạt động kích cầu du lịch quốc tế, cấp quốc gia và cấp tỉnh, cùng với 76 chương trình, sự kiện, và hoạt động kích cầu du lịch cấp địa phương.

Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí địa lý chiến lược, sân bay đóng vai trò quan trọng khi là điểm nối giao thương, kinh tế, du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh với các vùng lân cận cũng như các điểm đến quốc tế.

Sân bay Vân Đồn được khởi công xây dựng vào năm 2016, trên tổng diện tích 325ha với tổng số vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đến ngày 30/12/2018 chính thức được đưa vào khai thác.

Móng Cái sẽ trở thành "Kinh đô ánh sáng vùng biên"

Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Đề án phát triển Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, với tổng kinh phí thực hiện các dự án trọng tâm dự kiến khoảng 432.825 tỷ đồng.

Nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào hạ tầng giao thông kết nối, bến cảng, cơ sở vật chất du lịch cao cấp tại các đảo, nhằm đáp ứng yêu cầu trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, biến khu vực vịnh Cửa Lục trở thành "vịnh Sydney bên bờ vịnh Hạ Long".

Quảng Ninh hướng tới là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Ảnh minh họa
Quảng Ninh hướng tới là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Ảnh minh họa

Đề án còn định hướng phát triển TP. Móng Cái trở thành thành phố giải trí và sự kiện với thương hiệu “Kinh đô ánh sáng vùng biên”; đồng thời xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ mở các đường bay và kết nối hàng không quốc tế đến Vân Đồn.

Không chỉ ở cấp tỉnh, các địa phương cũng nhanh chóng hoàn thiện các đề án phát triển du lịch, thu hút đầu tư nhằm xây dựng thương hiệu du lịch 4 mùa.

Cụ thể, thị xã Đông Triều đặt ra mục tiêu trước hết là thu hút các nhà đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở lưu trú, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; hệ thống các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô lớn; hệ thống các khu vui chơi giải trí đồng bộ, hiện đại, chất lượng để phục vụ nhiều đối tượng khách.

TP. Hạ Long cũng tập trung rà soát, thúc đẩy, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, khai thác hiệu quả hạ tầng du lịch sẵn có, các loại hình du lịch có thế mạnh, như du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc...

Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm và 91 khu, điểm du lịch, trong đó có 1 Khu du lịch cấp Quốc gia và 5 Khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận. Cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng với gần 2.100 cơ sở, bao gồm khoảng 35.900 buồng.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ quan trọng tạo thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld, các sân golf FLC và Tuần Châu (TP. Hạ Long), Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP. Cẩm Phả)....

Vĩ Hạ

Theo Chất lượng và cuộc sống