Tuyến đường sắt gần 35.000 tỷ tại Thủ đô chuẩn bị được vận hành thử trong 7 tuần
Dự án đường sắt này dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm.
Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa có báo cáo UBND thành phố Hà Nội kế hoạch vận hành thử các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội trước khi chạy chính thức.
Cụ thể, từ giữa tháng 3, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội chính thức bắt đầu giai đoạn vận hành thử (Trial Run). Thời gian chạy thử nghiệm sẽ diễn ra trong 7 tuần.
Theo MRB, công tác vận hành thử Trial run là bước cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống trong thời gian qua, đây là bước phải thực hiện trước khi đưa dự án vào vận hành. “Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự Vận hành và Bảo dưỡng (O&M)”, lãnh đạo MRB thông tin.
Quá trình vận hành thử có sự tham gia của chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Tư vấn Systra và Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), trong đó Hanoi Metro với trách nhiệm cung cấp nhân sự và quản lý nhân sự trong quá trình vận hành thử.
Kế hoạch vận hành của MRB cho biết, là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách bằng cách đánh giá kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân viên đã được tuyển dụng, đào tạo vận hành. Điều này bao gồm việc lập các bài luyện tập về vận hành; lịch trình luyện tập về vận hành; huy động nhân sự O&M; thực hiện luyện tập và theo dõi nhân viên O&M. Thời gian vận hành thử hàng ngày sẽ bắt đầu từ 7h45 phút đến 16h45 phút, hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu.
Với các phần vận hành thử, MRB cho biết, được chia ra làm 3 phần với 3 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1: các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường; giai đoạn 2: các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế; giai đoạn 3: các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp. “Tổng cộng có 57 kịch bản vận hành thử cho các giai đoạn này. Mỗi kịch bản sẽ được thực hiện và đánh giá dựa trên biểu mẫu đánh giá do Tư vấn Systra lập và thực hiện. Biểu mẫu này bao gồm khoảng 22 tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và vận hành để đánh giá”, lãnh đạo MRB thông tin.
Sau vận hành, dự án sẽ được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống, việc này được thực hiện theo các tiêu chuẩn châu Âu và theo yêu cầu của các quy định của Việt Nam. Trên cơ sở các đánh giá, Tư vấn sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội sẽ lập hồ sơ trình Bộ GTVT để thẩm định. Kết quả thẩm định là cơ sở để xem xét đưa hệ thống vào vận hành chính thức.
Để chuẩn bị cho việc vận hành tàu Nhổn - ga Hà Nội theo kế hoạch trên, từ đầu tháng 2/2024, Công ty Hanoi Metro đã triển khai kế hoạch tuyển dụng 447 nhân sự để vận hành dự án. Trong số nhân sự này, Hanoi Metro cho biết, lĩnh vực vận hành nhà ga là 158 người; Phòng điều độ, vận hành là 48 người; Phòng Kỹ thuật công nghệ là 12 người; Phòng Giám sát an toàn là 9 người…
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km. Depot đặt tại Nhổn có diện tích 15ha.
Dự án được khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới được điều chỉnh lùi đến năm 2027. Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 34.826 tỷ đồng.