Tuyến kênh dài 32km được đầu tư 8.200 tỷ đồng, làm thay đổi diện mạo 7 quận của thành phố giàu nhất Việt Nam

Sau khi hoàn thành, dự án này được kỳ vọng giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập cho 15.000ha đất, giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng...

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài hơn 32km. Tuyến đường thủy này kết nối sông Sài Gòn với sông Bến Lức, chảy qua 7 quận huyện gồm: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh, tạo thành một đường vành đai bao bọc phía Bắc và phía Tây nội thành.

Một đoạn kênh Tham Lương. Ảnh: Báo Lao Động
Một đoạn kênh Tham Lương. Ảnh: Báo Lao Động

Trước đây, đây là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến ô nhiễm nhất TP. HCM. Lòng kênh nhỏ, bị bồi lấp nên thoát nước không tốt, thường xuyên xảy ra ngập úng. Không những thế, con kênh còn là nơi chứa rác thải nên nước chuyển màu đen, nhiều đoạn bốc mùi, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của hàng triệu hộ dân xung quanh.

Tháng 2/2023, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được thực hiện và dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2025. Đây là dự án trọng điểm, giúp thoát nước, chống ngập, giảm ô nhiễm môi trường, kết nối hạ tầng giao thông của TP. HCM.

Năm 2024 là năm cao điểm triển khai dự án này, trong đó các hạng mục chính được tập trung thi công gồm: xây kè, làm hai tuyến đường dọc bờ, cầu bắc ngang kênh, hệ thống thoát nước... Ảnh: Báo Lao Động
Năm 2024 là năm cao điểm triển khai dự án này, trong đó các hạng mục chính được tập trung thi công gồm: xây kè, làm hai tuyến đường dọc bờ, cầu bắc ngang kênh, hệ thống thoát nước... Ảnh: Báo Lao Động

Sau 1,5 năm cải tạo, “dòng kênh đen” ngày nào từng bước hồi sinh, tạo nên một sinh khí mới. Những cọc bê tông hàng chục mét được cắm xuống, tạo nên một bức tường vững chắc cho bờ kênh.

Hàng ngày, ngay buổi sáng đầu giờ, nhiều công nhân đã tất bật làm việc trên công trường, những người lớn tuổi đi tập thể dục buổi sáng cũng “tranh thủ” ghé thăm, theo dõi tiến độ của dự án. Hình ảnh dòng kênh được khơi thông, không còn ô nhiễm, mang hình hài của một công trình hiện đại, văn minh dần lộ diện.

Tuyến kênh dài 32km được đầu tư 8.200 tỷ đồng, làm thay đổi diện mạo 7 quận của thành phố giàu nhất Việt Nam - Ảnh 1
Hình ảnh các công nhân bận rộn trên công trường. Ảnh: VTC News
Hình ảnh các công nhân bận rộn trên công trường. Ảnh: VTC News

Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 8.200 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương là 4.000 tỷ đồng và Ngân sách địa phương là 4.200 tỷ đồng. Bên cạnh việc mở rộng và nâng cấp con kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án sẽ xây dựng đường bên kênh mỗi bên rộng 4 làn xe, tổng chiều dài 63,4km.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên còn xây thêm 12 bến thuyền và 3 cây cầu giao thông dọc tuyến, bắc qua các rạch đổ ra sông Vàm Thuật, gồm cầu Rạch Lăng, cầu Rạch Đất Sét và cầu Rạch Sâu. Điều này hứa hẹn sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông và cải thiện môi trường sống cho người dân tại khu vực.

Diện mạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi được hồi sinh. Ảnh phối cảnh: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM

Khi hoàn thành, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ là trục thoát nước chính cho gần 15.000ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực. Dự án cũng giúp giảm tải cho Quốc lộ 1 nhờ hai tuyến đường dọc kênh đi qua 7 quận, huyện; đồng thời kết nối giao thông thuỷ TP. HCM với Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

Trước đó, giai đoạn hai của dự án đã được TP. HCM lên kế hoạch triển khai từ năm 2012 nhưng chưa thể thực hiện do khó khăn nguồn vốn. Sau đó, việc cải tạo kênh được nghiên cứu chuyển thành một hạng mục của dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, dùng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, năm 2017, WB ngưng tài trợ nên dự án tiếp tục gặp bế tắc. Đến năm 2021, dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương và thành phố.

Vĩ Hạ

Theo Chất lượng và cuộc sống