'Tuyệt chiêu' xoay vòng bất động sản, rút trăm nghìn tỷ từ SCB của Trương Mỹ Lan

Nhìn lại các phiên tòa diễn ra trong suốt 2 tuần qua, có thể thấy bị cáo Trương Mỹ Lan đã liên tục xoay tiền bằng một chiêu thức cơ bản. Bắt đầu là dùng bất động sản (BĐS) làm tài sản thế chấp cho SCB, rồi dùng tiền rút ra từ SCB để thâu tóm BĐS; rồi lại tiếp tục dùng BĐS đưa vào thế chấp...

Tuyệt chiêu xoay vòng BĐS- dòng tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan (ảnh BTC)
Tuyệt chiêu xoay vòng BĐS- dòng tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan (ảnh BTC)

Những BĐS tỷ USD

Cụ thể, khách sạn Windsor, là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Việt Nam, tọa lạc tại quận 5, TP. HCM bà Lan cho SCB mượn khách sạn Windsor để đi vay 15.000 tỷ đồng.

Theo bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB, quá trình tái cơ cấu của SCB có nhiều giai đoạn bắt đầu từ 2012 thì chị Lan có đưa một số tài sản như Times Square, Chợ Vải, khách sạn Windsor vào để tái cơ cấu để làm phương án vay mới, nguồn tiền để trả nợ cho các khoản vay cũ. 

Theo cách xoay chuyển này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm hàng nghìn BĐS.

Trước đó, trong phiên tòa tuần qua, Hội đồng xét xử đã xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án.

Bị cáo Lan cho biết một trong hai con gái của mình đã rao bán tòa nhà ở Hà Nội, ước tính có giá 1 tỷ USD. Về thông tin này, chủ tọa hỏi bị cáo Lan tòa nhà mà bị cáo đề cập có phải tòa Capital Palace số 29 Liễu Giai, Hà Nội hay không, bị cáo Lan xác nhận là đúng.

Chủ tọa cho biết, tòa nhà này theo thông tin từ con gái bà Lan gửi tòa án thì có người hỏi mua 360 triệu USD, chứ không phải 1 tỷ USD như trình bày của bị cáo.

Trước thông tin của chủ tọa, bị cáo Lan nói rằng, tòa nhà này trước đây khi mua có giá 700 triệu USD, thêm chi phí làm thủ tục hồ sơ hoàn thiện nữa nên bà Lan ước tính tòa nhà này trị giá 1 tỷ USD, vì vậy bên mua ra giá 360 triệu USD là đang ép giá.

Về khách sạn Daewoo Hà Nội, bị cáo Lan nói tài sản này của công ty gia đình mình. Trước đây khách sạn Daewoo Hà Nội được cho mượn để phát hành trái phiếu mượn dự án. Bà Lan đề nghị nếu thu hồi được thì đưa vào khắc phục thiệt hại cho vụ án này.

Về căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP. HCM) diện tích gần 3.000m2, bà Lan cho biết lúc mua giá 700 tỷ đồng. Đây là biệt thự bảo tồn nên đề nghị hội đồng xét xử không kê biên.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn xác nhận công ty của bà có nhà máy sản xuất vắc xin đầu tư 315 tỷ đồng. Con gái bà đã đề nghị chuyển nhượng cổ phần sang cho đối tác khác bằng giá trị đầu tư 315 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại. Song, bà Lan lo ngại Sinopharm không đồng ý sản xuất tiếp.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng đồng ý thu hồi một dự án tại quận 7, bán công ty bảo hiểm đã mua khoảng 1.000 tỷ đồng để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án. Theo chủ tọa thông tin, công ty bảo hiểm đang được con gái bà Lan đề nghị chuyển toàn bộ sang đối tác Hàn Quốc với giá 40 triệu USD.

Đến hàng trăm tài sản BĐS khác

Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng, nhưng Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản.

Còn lại 440/1.166 mã tài sản, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…

649 tài sản chưa được định giá của bà Lan là tổng của 440 tài sản công ty Hoàng Quân không định giá và 209 tài sản có giá trị định giá nhưng chưa đủ điều kiện pháp lý.

Về 649 tài sản này, cáo trạng nêu, để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại SCB, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.

Đồng thời, trong 726 mã tài sản có giá trị định giá được, Công ty thẩm định giá Hoàng Quân cũng cho rằng có 209 mã tài sản không đủ điều kiện pháp lý để tiến hành xử lý tài sản vì không có hợp đồng thế chấp/cầm cố, hợp đồng thế chấp chưa được công chứng, tài sản chưa đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định...

Trần Lê

Theo VietnamFinance