Tỷ giá liên tục lập đỉnh mới: Những biến số khó lường

Tỷ giá VND/USD gần đây tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới. Theo giới phân tích, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn, áp lực với tỷ giá vẫn hiện hữu trước những ẩn số khó lường.

Tỷ giá biến động mạnh

Phiên giao dịch 9/4 chứng kiến đà tăng nóng của giá USD trên cả kênh ngân hàng và thị trường tự do.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng 38 đồng lên mức kỷ lục 24.936 đồng/USD.

Neo theo tỷ giá trung tâm, giá USD bán ra ngày 9/4 tại các ngân hàng đều tăng lên mức sát trần 26.182 đồng/USD. So với cuối phiên hôm trước đó, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng thêm 40 - 47 đồng/USD, còn giá mua được điều chỉnh tăng mạnh hơn, từ 30 - 120 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ ngày 9/4 đều niêm yết tỷ giá USD ở mức 26.150 - 26.250 đồng/USD (mua - bán), tăng khoảng 100 đồng so với phiên trước.

Đến sáng 10/4, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 28 đồng, lên 24.964 đồng/USD. Đây là mức cao nhất lịch sử của tỷ giá trung tâm kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016. Tính từ đầu năm tới nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 629 đồng.

Tuy nhiên, giá USD tại các ngân hàng sáng 10/4 đã hạ nhiệt. Sáng 10/4, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 25.610-26.000 đồng/USD (mua - bán, giảm 182 đồng so với hôm qua.

Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng gần 500 đồng. Riêng từ đầu tháng 4 đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng hơn 300 đồng.

Tỷ giá liên tục lập đỉnh mới: Những biến số khó lường - Ảnh 1

Giá USD trên thị trường tự do ngày 10/4 tiếp tục tăng thêm 10 đồng, niêm yết ở mức 26.160-26.260 đồng/USD (mua - bán). Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 410 đồng, tương đương tăng 1,5%. Riêng từ đầu tháng 4 đến nay, giá USD tự do đã tăng gần 300 đồng.

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh khi ngày 2/4 Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sắc lệnh áp thuế 10% với toàn bộ hàng hoá từ tất cả quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5/4/2025. Bên cạnh đó, từ 9/4, Mỹ sẽ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa từ các quốc gia/vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, dao động 10-50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức cao nhất là 46%.

Đáng chú ý, giá USD trong nước tăng mạnh trong những phiên gần đây bất chấp việc đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường thế giới. Kể từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ số DXY (thước đo sức mạnh của đồng USD) giảm gần 3,4%. Còn kể từ đầu năm, chỉ số DXY đã giảm 5,5%.

Tuy nhiên, ngày 9/4, ông Donald Trump bất ngờ tuyên bố tạm thời hoãn áp thuế nhập khẩu cao đối với hầu hết các nước đối tác thương mại của Mỹ trong 90 ngày nhưng tăng thuế đối ứng với Trung Quốc lên 125%.

Giới phân tích nhận định, các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân chậm lại. Cùng với đó, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại. Còn dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế. Những yếu tố trên khiến tỷ giá tăng cao.

Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực

Theo giới phân tích, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn trước bối cảnh các yếu tố bất định và chưa có kết quả cuối cùng về các quyết định áp thuế quan. Áp lực với tỷ giá vẫn hiện hữu trước những ẩn số khó lường.

Bộ phận nghiên cứu thị trường của ACB cho rằng áp lực tăng của tỷ giá vẫn còn rất lớn do tâm lý giao dịch của thị trường trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ các bất ổn thương mại toàn cầu.

Tỷ giá liên tục lập đỉnh mới: Những biến số khó lường - Ảnh 2

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MBS nhận định, áp lực tỷ giá dự báo vẫn hiện hữu trong năm 2025 khi đồng USD tiếp tục neo ở ngưỡng cao. Nguyên nhân là do Tổng thống Trump liên tục đưa ra những chính sách thuế quan làm tăng rủi ro lạm phát, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất.

Nhưng các chuyên gia của MBS đánh giá tiền đồng vẫn sẽ được hỗ trợ từ mức chênh lệch lãi suất VND - USD đang dần được thu hẹp. Nhờ đó, tỷ giá được kỳ vọng sẽ dao động trong khoảng 25.500-26.000 đồng/USD trong năm nay.

Còn chuyên gia Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, nhận định VND đã mất giá mạnh so với USD, ước tính khoảng 2,2% tính đến 8/4, trong khi chỉ số USD Index giảm 5,8%. Theo ông Báu, VND đã yếu đi khoảng 10% so với các đồng tiền khác, điều này có thể tạo áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá tăng khoảng 10% trong năm nay nếu Mỹ áp thuế 46% lên các mặt hàng của Việt Nam. Tỷ giá tăng ảnh hưởng đến lạm phát, nền kinh tế và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lo ngại áp lực tỷ giá và lạm phát đang tăng sau chính sách mới về thuế quan của Mỹ, khiến việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gặp nhiều rủi ro. Bởi vì lãi suất thấp có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá và làm tăng áp lực lạm phát.

Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research, phân tích, VND đã điều chỉnh giảm giá so với USD trong một thời gian dài trước đó, nên đã tạo ra một "bộ đệm" nhất định. Vì vậy, áp lực điều chỉnh tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá mạnh.

“Tỷ giá vẫn là yếu tố cần theo dõi sát, nhưng NHNN vẫn có khả năng kiểm soát trong ngắn hạn nhờ các công cụ chính sách hiện có”, ông Hưng nhận định.

Báo cáo của Mirae Asset cho rằng triển vọng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khả năng đàm phán thành công của Việt Nam về thuế quan sẽ đóng vai trò là các yếu tố then chốt hỗ trợ NHNN trong việc quản lý ổn định tỷ giá hối đoái.

Chứng khoán Vietcap kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ và sự thu hẹp của thâm hụt thương mại dịch vụ sẽ góp phần hỗ trợ tỷ giá.

Trong bối cảnh áp lực với tỷ giá còn hiện hữu và cũng chưa có quyết định cuối cùng về mức thuế quan lên hàng hóa Việt Nam, lãi suất điều hành dự kiến sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng.

Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sắc thuế, ngày đầu tiên tỷ giá tăng lên thêm 0,6%.

Về định hướng điều hành, lãnh đạo NHNN cho biết, cơ quan này sẽ theo dõi rất sát diễn biến thị trường để điều hành các công cụ, giải pháp với liều lượng hợp lý, đặc biệt cân nhắc hài hoà sự đánh đổi tỷ giá với mục tiêu giảm lãi suất.

Minh Dũng

Theo Vietnamfinance