Tỷ lệ CASA các ngân hàng năm 2020 biến động ra sao?
Vietcombank và MB là 2 ngân hàng đã quá quen thuộc khi nói đến việc có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lớn nhất trong hệ thống. Tuy nhiên, năm 2020, cả MB và Vietcombank đều bị soán ngôi bởi Techcombank.
Tỷ lệ CASA các ngân hàng phục hồi
Với các ngân hàng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.
Thông thường, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, cùng tiền gửi ký quỹ trên tổng tiền gửi khách hàng càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường.
Mặt khác, tiền gửi không kỳ hạn càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.
Vì vậy, ngoài lợi nhuận, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng là một chỉ số đáng quan tâm của các nhà băng khi cuộc đua này chưa bao giờ có hồi kết.
Khảo sát tại 27 ngân hàng đã công bố BCTC hợp nhất quý 4/2020 (trong đó có 3 ngân hàng không công bố thuyết minh BCTC) cho thấy, hầu hết tiền gửi khách hàng có sự tăng trưởng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tại một số ngân hàng tăng mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn có vài ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ.
Cụ thể, tại KienLongBank, năm 2020 dù tiền gửi của khách hàng tăng đến 28% so với đầu năm, đạt gần 42.018 tỷ đồng, nhưng tiền gửi không kỳ hạn tại Kienlongbank (CASA) lại giảm xuống 10% so với đầu năm, ghi nhận 1.356 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ CASA giảm nhẹ từ 4,6% hồi cuối năm 2019 xuống còn 3,2% năm 2020.
Ngoài KienLongBank, VietBank cũng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm nhẹ từ 4,9% năm 2019 xuống 3,7% năm 2020; VIB giảm từ 11,2% xuống còn 11%; HDBank giảm 12,2% xuống 12%,...
Techcombank soán ngôi MB về tỷ lệ CASA
Top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất tính đến cuối năm 2020 vẫn tiếp tục là những gương mặt quen thuộc MBBank, Techcombank và Vietcombank.
Cụ thể, Techcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường CASA, tăng 46,1% trong cả năm qua và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 3,1%.
Tiếp theo là MB, năm 2020, tiền gửi của khách hàng tăng 14%, ghi nhận 310.960 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại MB tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận 115.194 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của MB theo đó cũng tăng từ 33,9% hồi cuối năm 2019 lên 37%.
Tại Vietcombank, tính đến ngày 31/12/2020 tiền gửi của khách hàng tăng 11%, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 17% so với đầu năm, đạt 307.223 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA của Vietcombank đạt 29,8%. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng trong năm 2020, tương đương quy mô như năm 2019.
Như vậy, năm 2020, MB đã bị Techcombank "soán ngôi" về tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống ngân hàng.
Có được nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào sẽ giúp cho biên lợi nhuận các ngân hàng được nới rộng. Tuy nhiên, không phải tổ chức nào cũng chiếm được ưu thế này.
Vietcombank, Techcombank và MB trong những năm gần đây là những ngân hàng có được ưu thế tốt nhất về tiền gửi không kỳ hạn nhờ những đặc thù và chiến lược đặc biệt của mình. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng tại ba ngân hàng trên thường có cách biệt khá lớn so với nhóm những ngân hàng còn lại.
Các ngân hàng kỳ vọng có thể thu hút thêm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), từ đó gia tăng CASA cũng như doanh thu phí trong tương lai.
VNDirect cũng cho rằng, ngân hàng với những lợi thế sau sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM (biên lãi ròng) như: Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn có thể dẫn đến giảm chi phí vốn...