Tỷ lệ lấp đầy khả quan giúp giá thuê bất động sản công nghiệp tăng mạnh
Bất chấp mọi “tổn thương” sau dịch, bất động sản (BĐS) tại các khu công nghiệp (KCN) liên tục ghi nhận đà tăng trưởng cao. Từ nửa đầu năm 2022, nhu cầu về BĐS khu công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ, kéo theo sức hút về đầu tư và tạo nhịp sôi động cho thị trường.
Lý giải cho sức hút từ phân khúc bất động sản công nghiệp, đây là thị trường tiềm năng với nhiều ưu thế nổi bật. Thứ nhất, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn tiếp tục. Thứ hai, các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam, có thể kể đến những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo và nhiều ưu đãi khác. Thứ ba, cơ sở hạ tầng được cải thiện trong thời gian tới như các dự án đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo ra kết nối thuận tiện hơn giữa các KCN.
Một số dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn cả nước sẽ góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường trong tương lai như: Khu công nghiệp Cây Trường quy mô 700 ha, VSIP III quy mô 1.000 ha tại Bình Dương; khu công nghiệp Nam Tân Tập quy mô 245 ha và khu công nghiệp Tân Tập quy mô 654 ha, dự án nhà xưởng và nhà kho quy mô 13,4ha tại khu công nghiệp Phú An Thạnh tại Long An; khu công nghiệp Quảng Trị quy mô khoảng 500 ha tại Quảng Trị; dự án nhà xưởng và nhà kho khu công nghiệp Hố Nai quy mô 16,3 ha tại Đồng Nai;….
Hoạt động cho thuê tích cực trở lại tại các KCN phía Bắc
Trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường lớn nhất cả nước. Một số khu công nghiệp chuẩn bị đi vào hoạt động trong nửa cuối 2022 và đầu năm 2023 đã đạt được tỷ lệ cam kết cho thuê sớm khả quan, ở ngưỡng từ 40% - 100% giai đoạn đầu triển khai. Với nguồn cầu khả quan, mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5-10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía Bắc. Theo các báo cáo cho thấy, giá cho thuê BĐS công nghiệp tại Thủ đô Hà Nội đang ở ngưỡng cao và được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh so với các tỉnh, thành còn lại trong khu vực phía Bắc, lên đến 250 USD/m2. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chung của khu vực phía Bắc vẫn chưa đồng đều và chưa rõ nét.
Nhu cầu mở rộng mạnh mẽ từ lĩnh vực ô tô và điện tử dự kiến sẽ thúc đẩy tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tăng cao đặc biệt tại khu vực phía Bắc. Trong 6T/2022, yêu cầu hỏi thuê từ các ngành chiếm tỷ trọng cao tại phía Bắc. Bên cạnh đó, các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điên tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek cũng công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
Nguồn cung, Thị trường đất KCN Miền Bắc trong 6 tháng đầu năm 2022
Giá thuê bất động sản công nghiệp phía Nam ghi nhận mức tăng ấn tượng
Theo khảo sát tại 4 tỉnh/ thành phố được coi là trọng điểm công nghiệp phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An cho thấy, giá chào thuê tăng 8-13% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, thị trường TP.HCM ghi nhận mức giá thuê trung bình cao nhất, dao động từ 180 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Tiếp theo là thị trường Long An với mức giá thuê trung bình trong khoảng 125 - 275 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá thuê khu công nghiệp trung bình ở Bình Dương là từ 100 - 250 USD/m2/chu kỳ thuê còn Đồng Nai có mức giá thuê trong khoảng 100 – 200 USD/m2/chu kỳ thuê.
Tổng quy mô đất khu công nghiệp của 4 địa phương nói trên hơn 30.000ha, tỷ lệ lấp đầy trên 90%. Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỉ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95% với tổng diện tích hơn 10.000ha. Tiếp theo là TP.HCM với tỷ lệ lấp đầy 95% cho khoảng 4.100ha đất. Đồng Nai có tỉ lệ lấp đầy gần 95% cho gần 10.000ha đất. Còn Long An sở hữu khoảng 4.500ha đất khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 85%.
Các doanh nghiệp toàn cầu mong muốn mở rộng sản xuất tại khu vực phía Nam quan tâm trước hết đến quy mô thị trường và chính sách phát triển kinh tế. Có thể thấy, dân số 40 triệu người trên toàn khu vực với nền kinh tế đang hội nhập ngày càng nhanh chính là điểm tiên quyết. Yếu tố quan trọng thứ hai là lực lượng lao động dồi dào luôn sẵn sàng đón nhận luồng đầu tư mới về công nghệ.
Ngoài ra, thương mại điện tử bùng nổ khiến nhu cầu về đất khu công nghiệp cho các dịch vụ kho bãi, nhà xưởng tăng cao, bởi lẽ, ngành này đòi hỏi kho xưởng lớn để đáp ứng lượng hàng tồn kho và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nguyên nhân khiến giá thuê bất động sản công nghiệp phía Nam tăng, theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, đây là khu vực đã phát triển các thủ phủ công nghiệp từ rất sớm so với mặt bằng chung cả nước nên giá thuê cao. Nhờ đi trước một bước so với miền Bắc và miền Trung, cộng thêm gắn liền với đô thị sôi động nhất cả nước là TP.HCM, bất động sản công nghiệp miền Nam luôn là tâm điểm thu hút các nhà sản xuất, giới đầu tư nội địa lẫn quốc tế.