Tỷ phú người Thái “ẵm” gần 9.300 tỷ đồng cổ tức từ khi mua lại Sabeco
Tập đoàn Thai Beverage đã nhận lại được khoảng 8% tiền đầu tư vào Sabeco nhờ dòng tiền từ cổ tức.
Thị trường chứng khoán tại Việt Nam từng có thời gian ghi nhận một số thương vụ chuyển nhượng cổ phần “bom tấn” của các tổ chức nước ngoài. Để trở thành cổ đông lớn hay thậm chí chi phối cả doanh nghiệp, các tập đoàn ngoại đã mạnh tay bỏ ra số tiền khổng lồ. Trong đó, có thể kể tới thương vụ chơi lớn của người Thái tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB).
Tỉ phú Thái Lan đã thâu tóm thành công Sabeco từ đợt thoái vốn của Bộ Công Thương. (Ảnh minh họa) |
Cách đây 6 năm, Công ty TNHH Vietnam Beverage (thuộc Tập đoàn Thai Beverage của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) đã bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công Thương. Theo đó, công ty này chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Sáu năm sau, khi Vietnam Beverage vẫn nắm hơn 687 triệu cổ phiếu SAB, tương ứng 53,59% vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông của Sabeco vẫn không đổi.
Dẫu vậy, giá trị thị trường của số cổ phần trên đến nay chỉ còn khoảng 44.810 tỷ đồng (~1,8 tỷ USD), nghĩa là Thaibev đang tạm lỗ khoảng 3,2 tỷ USD.
Cổ tức tiền mặt đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Thực tế cho thấy, Thaibev rót vốn vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, đặt ra tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia tại Việt Nam để làm động lực nhắm tới toàn khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá nghiêm trọng với ông lớn Thái Lan.
Ngoài ra, Sabeco vẫn chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để trả cổ tức và hầu hết số tiền lại chảy về túi của người Thái.
Doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã nhận về 9.278 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco. |
Tính từ cuối năm 2017 đến nay, doanh nghiệp của tỷ phú người Thái đã bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng cổ tức “tiền tươi” hàng năm. Mức cổ tức của năm 2018 và 2022 là nhiều nhất với tỷ lệ 50% tiền mặt, tương ứng hàng năm có 1.718 tỷ đồng tiền cổ tức của Sabeco thuộc về Thai Beverage, trong khi các năm khác đồng loạt đều ở mức 35%.
Gần đây nhất, Sabeco đã gửi đi thông báo chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, ngày 7/2/2024 (tức 28 Tết) là thời gian thanh toán. Theo đó, Vietnam Beverage sẽ nhận về 1.031 tỷ đồng tiền cổ tức trước kỳ nghỉ Tết âm lịch.
Tính tổng hơn 6 năm, hơn 9.278 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco đã thuộc về doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Nhờ dòng tiền từ cổ tức mà Tập đoàn Thái Beverage nhận lại chừng 8% số tiền đầu tư vào Sabeco.
Tính riêng trong năm nay, Sabeco đã dự định chi trả cổ tức với tỷ lệ 35%. Bởi vậy, Sabeco dự kiến còn chi trả cổ tức tỷ lệ 20% sau khi hoàn tất tạm ứng theo tỷ lệ 15% để hoàn tất kế hoạch và Vietnam Beverage còn có thể bỏ túi thêm 1.374 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh kém khả quan do sức tiêu thụ yếu
Mặc dù đón đầu tin cổ tức tích cực, nhưng tình hình kinh doanh thực tế của Sabeco nói riêng và cả ngành sản xuất bia nói chung đều đang gặp nhiều rào cản, nhất là nhu cầu sụt giảm mạnh. Thị trường Việt Nam từng đứng đầu tiêu thụ bia toàn khu vực Đông Nam Á nhưng đang yếu đi một cách rõ ràng trong năm nay.
Các nhà sản xuất bia lớn như Carlsberg và Heineken đều chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh số bán hàng, nhất là tại thị trường Việt Nam. Theo Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam, hiện nay, ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam đang ở thời kỳ rất khó khăn. Giá nguyên vật liệu tăng tới 50% và doanh số bán bia giảm 10-20%.
Kết quả kinh doanh của Sabeco từ năm 2011 đến hết quý III/2023. |
Doanh thu sau 9 tháng đầu năm của Sabeco là 21.940 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 24% so với thực hiện của cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, công ty mới chỉ hoàn thành 57% chỉ tiêu lợi nhuận năm sau 3 quý. Sự hồi phục đã không xảy ra như kỳ vọng của Bn lãnh đạo Sabeco, trong khi Nghị định 100 vẫn khiến toàn ngành giảm mức tiêu thụ.
Trong báo cáo mới đây, SSI Research đã dẫn ý kiến của Ban lãnh đạo Sabeco, người tiêu dùng đang chuyển đổi từ sản phẩm cao cấp sang phổ thông. Nhờ thương hiệu Bia Sài Gòn nên SAB đang được hưởng lợi. Theo kỳ vọng của Ban lãnh đạo, sản lượng tiêu thụ sẽ tăng trở lại nếu kinh tế trong nước nội địa, có thể muộn nhất vào nửa cuối năm sau.
Theo dự báo của SSI Research, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng năm 2023 đạt 30,5 nghìn tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ) và 4,4 nghìn tỷ đồng (giảm 21%) tương ứng, thấp hơn 10% so với ước tính trước đó. Lý do là vì hạ ước tính về sản lượng trong bối cảnh mức tiêu thụ bia trên thị trường yếu.
Bước sang năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng được dự đoán đạt 32,5 nghìn tỷ đồng (tăng 7%) và 5 nghìn tỷ đồng (tăng 15%) tương ứng. Theo SSI giả định, doanh thu năm 2024 sẽ hồi phục nhẹ, nhất là vào nửa cuối năm. Cùng với đó, các hoạt động quảng cáo khuyến mại sẽ được siết chặt hơn so với năm nay./.