USD phá đỉnh lịch sử, nỗi bất an khi áp lực tỷ giá lên cao
Cùng với nhiều nền kinh tế trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước nỗi lo đồng nội tệ "trượt giá" của USD. Áp lực tỷ giá ngày càng căng thẳng khi USD liên tục phá đỉnh trong những phiên giao dịch gần đây.
Theo Nikkei Asia, đồng nội tệ của các quốc gia thành viên G20 hầu như đều đang mất giá trước đồng USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yên của Nhật Bản đã mất giá tới 9,51% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc, đồng AUD của Australia và đồng euro lần lượt mất giá 5,5%, 4,4% và 2,8% so với đồng USD.
Đồng nội tệ của các nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi đều đang suy yếu với tốc độ nhanh chóng trong bối cảnh đồng USD mạnh lên đáng kể. Đồng bạc xanh của Mỹ hiện đang được ủng hộ khi kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đang dần khó trở thành hiện thực bởi chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của Mỹ đã tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường.
Tình trạng này đã trở nên khẩn cấp đến mức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Nhật Bản tiết lộ có thể vấn đề liên quan đến đồng USD sẽ được “mổ xẻ” trong cuộc họp của nhóm G20 khai mạc vào ngày 20/4 tới.
Giá trị đồng nội tệ ngày càng sụt giảm trước đồng USD có thể sẽ khiến nhiều nước, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi, gặp rắc rối. Trên thực tế, những nền kinh tế mới nổi luôn nhạy cảm với đồng USD bởi khi sức mạnh đồng USD tăng cũng đồng nghĩa với gánh nặng nợ bằng đồng USD và lãi vay tăng theo.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng chứng minh, cứ mỗi 10% tăng giá của đồng USD trên thị trường tiền tệ sẽ làm giảm 1,9% GDP thực tế của các nền kinh tế mới nổi sau một năm. Còn các tác động kinh tế bất lợi kèm theo sẽ kéo dài trong hơn hai năm.
Tỷ giá cũng là vấn đề nóng tại thị trường Việt Nam. Từ đầu tuần trước đến nay, tỷ giá liên tục phá đỉnh và giao dịch trong vùng giá cao lịch sử.
Trong sáng 17/4, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước là 24.431 VND/USD, tăng 90 đồng so với phiên trước đó và là mức tăng mạnh nhất trong vòng 1 năm qua. Trong cùng ngày, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lớn như Techcombank, MB cũng đều áp sát mức trần được phép giao dịch.
Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 1,61% trong khi cả năm 2023, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,1%. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng đã tăng 3,86%, từ mức 24.495 VND/USD lên 25.400 VND/USD.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MSVN), lãi suất của Fed vẫn duy trì ở mức cao, kéo dài chênh lệch lãi suất âm giữa USD và tiền đồng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tỷ giá từ đầu năm đến nay.
Thêm vào đó, biến động của giá vàng trong nước cũng khiến tỷ giá thêm áp lực. Không riêng Việt Nam, giá vàng thế giới đang tăng rất mạnh do chính phủ các nước và cá nhân tăng tích trữ vàng do lo ngại rủi ro địa chính trị gia tăng.
Giá vàng thế giới tăng vọt kéo theo giá vàng trong nước tăng lên mức cao kỷ lục mới, tạo áp lực lên tỷ giá trên thị trường chợ đen và cuối cùng ảnh hưởng đến thị trường chính thức. “Trong kịch bản xấu nhất, tiền đồng có thể mất giá khoảng 3 - 3,5%”, các chuyên gia phân tích của MSVN cho hay.
Trong bối cảnh này, kể từ đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản trên thị trường để hạn chế sự mất giá của tiền đồng. Trong quý I/2024, NHNN đã phát hành tổng cộng 171.199 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), “mặc dù tỷ giá nóng lên từng ngày nhưng những diễn biến tỷ giá hiện nay phù hợp với xu hướng chung và NHNN chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp”.
Ông Hùng chỉ ra áp lực dẫn đến đồng USD tăng so với tiền đồng đến từ chính bản thân đồng USD khi chỉ số DXY tăng khoảng 3% từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, thông thường vào quý đầu tiên của năm, cầu ngoại tệ sẽ tăng, dẫn đến việc “tỷ giá tăng là động thái hết sức tự nhiên của thị trường”.
Đồng thời, đại diện của ADB cũng khẳng định những biến động tỷ giá trong thời gian qua “vẫn nằm trong khung điều hành chính sách mà NHNN đặt ra”.