Vẫn có ngân hàng kinh doanh ảm đạm trong quý 3/2021
Bên cạnh những ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2021 và cả 9 tháng đầu năm, vẫn có nhà băng kinh doanh khá ảm đạm trong mùa dịch này.
Các ngân hàng bắt đầu công bố con số lợi nhuận quý 3/2021 và lũy kế 9 tháng đầu năm nay. Nhìn chung bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý này vẫn nhiều gam sáng, chưa nhà băng nào báo lỗ quý 3/2021. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng nhỏ lại kinh doanh ảm đạm.
Theo BCTC hợp nhất quý quý 3/2021 vừa công bố, VietABank có quý kinh doanh ảm đạm khi hầu hết hoạt động đều tăng trưởng âm. Nguồn thu chính giảm đến 37% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đem về hơn 351 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng không khá hơn và hầu hết đều giảm sút như lãi từ kinh doanh ngoại hối (-79%), lãi từ hoạt động khác (-60%).
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm đến 47%, chỉ còn 267 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quý 3/2021, VietABank giảm đến 71% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 140 tỷ đồng, do đó thu về 126 tỷ đồng lãi trước thuế, gấp 7 lần so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kết quả kinh doanh tại VietABank cũng ảm đạm, Cụ thể, thu nhập lãi thuần giảm 13% so với cùng kỳ, xuống còn gần 991 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12% so cùng kỳ, chỉ đạt hơn 747 tỷ đồng.
Thế nhưng nhờ giảm đến 67% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 225 tỷ đồng, VietABank báo lãi trước thuế gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 522 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh với VietABank là trường hợp của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB).
Cụ thể, riêng quý 3, hầu hết hoạt động kinh doanh của PGBank đều đi lùi so với cùng kỳ. Nguồn thu chính giảm đến 18%, chỉ còn 203 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác cũng giảm lần lượt 35% và 57%. Các mảng khác có tăng trưởng nhưng không cao và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 3/2021 đã giảm gần 41% so với cùng kỳ, xuống còn 95,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, PGBbank không trích dự phòng mà được hoàn nhập hơn 1,7 tỷ đồng, do đó, Ngân hàng báo lãi trước thuế gấp 4,6 lần cùng kỳ, ghi nhận 97 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại PGBank giảm 6%, chỉ còn hơn 365 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì trích lập chi phí dự phòng, PGBank lại giảm đến 64% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ trích 93 tỷ đồng. Kết quả, PGBank báo lãi trước và sau thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 272 tỷ đồng và 218 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, cả PGBank và VietABank đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp trong hệ thống ngân hàng.
Việc ngân hàng giảm trích lập dự phòng tín dụng có thể gây rủi ro trong tương lai bởi, nếu nợ xấu bùng lên mà không có nguồn xử lý thì không chỉ lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng, mà sức khỏe tài chính của cả ngân hàng cũng đi xuống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát kéo dài sẽ tạo ra nhiều nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế từng nêu quan điểm, giảm trích lập dự phòng rủi ro để tăng lợi nhuận là điều không nên. Nhưng giảm trích lập dự phòng vì tình hình nợ xấu được cải thiện, thu hồi được nợ thì hoàn lại dự phòng là hợp lý.
Thực tế, giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng nợ xấu tại VietABank tính đến 30/9/2021 cũng chỉ giảm nhẹ 7% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.038 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 14% lên gần 519 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn giảm 96% xuống còn 6,4 tỷ đồng.
Cá biệt tại PGBank, giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng nợ xấu nội bảng vẫn tăng 13% lên 708 tỷ đồng do nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 53%. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng tăng từ 2,44% lên 2,76%.